Tên riêng viết sao chẳng được

Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

 

Trên quảng cáo gần đây của VietnamAirlines có hình của một tiếp viên hàng không xinh đẹp tên Dung. Chuyện này không có gì để bàn. Nhưng khi quảng cáo này chuyển sang tiếng nước ngoài thì chữ Dung được viết thành Dzung. Thế là bị “ném đá” tơi bời trên mạng…

 Bố mẹ đặt tên cho con là gì chẳng được, ngoại trừ những tên cấm kỵ hay những tên có thể gây ra những điều bất lợi. Đặt bút danh, bí danh, biệt hiệu…là quyền của mỗi người, đặt sao chẳng được. Những tên riêng đều có ý nghĩa, chúng ta không bàn ở đây.  Khi tên người Việt đọc theo tiếng nước ngoài, đôi khi gây phiền toái về ý nghĩa. Ở tiếng Việt một tên có ý nghĩa rất hay nhưng chuyển sang tiếng nước ngoài lại khác. Anh bạn tên Chiến nếu sang Pháp làm việc mà vẫn giữ cách viết là Chiến thì người ta sẽ tủm tỉm cười khi nhắc tên này. Tiếng Pháp không có dấu thanh, mà Chiên và Chien (con chó) đồng âm. Chẳng lẽ bạn muốn đeo tên “con chó” để giao tiếp với người ta?

Có tên rồi, viết sao chẳng được. Tên riêng là đặc trưng của một cá nhân về chữ viết, về ‘mặt chữ’ nên được phép viết không giống với những quy định thông thường, lệch với chuẩn mực trong phạm vi những cách viết có thể chấp nhận được.

Trên lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình, bạn nào tinh ý sẽ nhận thấy vết mờ của dấu gạch nối trong tên Hồ  Chí  Minh. Chuyện là thế này: Khi những người thợ khắc đá theo quy định của Viện Ngôn ngữ học không có dấu nối khi viết tên người, họ khắc Hồ Chí Minh. Khi tổng duyệt, một lãnh đạo trừng mắt: Sao không có dấu nối ở tên Bác?! Thế là người ta phải đục thêm dấu nối để thành Hồ-Chí-Minh theo cách viết cũ, một lệch chuẩn cho phép. Sau này lại bỏ dấu nối theo chuẩn chính tả hiện nay.

Trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của nhà xuất bản Trẻ có quyển “Ăn, uống, nói cười và khóc” của tác giả Trần Huiền Ân. Trong từ Huyền  tác giả viết i (i ngắn) chứ không phải y dài. Đây cũng là lệch chuẩn chấp nhận được. Ai có quyền bác bỏ?

Dung, Dũng là những tên đẹp trong tiếng Việt, là công dung ngôn hạnh, là đóa phù dung…là anh hùng dũng cảm. Nhưng rất nhiều người Việt viết lại những tên này là Dzung khi giao tiếp trên mạng, giao tiếp với những đối tượng nói tiếng Anh. Đó là trang Xuan-Dung (Dzung) của nhà khoa học Đặng Xuân Dũng, là Dzung Dung của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Hùng Dũng… Không ai muốn tên mình mang ý nghĩa “phân súc vật” cả. (tiếng Anh, dung là phân súc vật). Khi viết tên riêng, từng có tiền lệ chuyển âm đầu d- thành dz-.  Chuyên gia ẩm thực từng nói chuyện nhiều lần trên HTV là Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, và cô cũng mở một tiệm Dzoãn. Nhà văn Hà Triệu Anh, họ tên Hà Anh ghi theo giọng Quảng Đông là Hồi – Díng, tên này nghe khó xuôi. Những người trong làng văn nghệ vẫn cứ trêu đùa gọi ông là Hồ Dính.  Có người còn đặt một vế đối: ‘Hồ Dính dính hồ hồ chẳng dính’ để thách đối. Vì vậy tác giả của Chân trời cũ nổi tiếng này đặt bút danh với cách viết Hồ Dzếnh. 

 Trong tiếng Việt không có phụ âm dz nhưng chẳng ai thắc mắc hoặc có quyền đòi hỏi phải sửa lại Hồ Dzếnh thành Hồ Dếnh cả.  Và trong áp phích quảng cáo trên, cô gái đẹp tên Dung phải ghi là Dzung là chuyện bình thường!