Viết tên riêng nước ngoài thế nào? GS TS Nguyễn Đức Dân về trang chủTên của một người, một địa danh, một nước được gọi là tên riêng, cốt để phân biệt người này với người khác, địa danh này với địa danh khác, nước này với nước khác. Trong lớp học, nếu có hai bạn tên Hùng thì phải thêm chữ A, chữ B vào để phân biệt Hùng A với Hùng B nhưng trong những giấy tờ pháp lí thì cả hai đều vẫn chỉ là Hùng. Tên riêng là đặc trưng của một cá nhân về chữ viết, về “mặt chữ” nên được phép viết lệch chuẩn, không giống với những qui định thông thường. Tác giả của Chân trời cũ có bút danh là Hồ Dzếnh. Trong tiếng Việt không có phụ âm dz nhưng chẳng ai thắc mắc hoặc có quyền đòi hỏi phải sửa lại thành Hồ Dếnh cả. Xin mở một ngoặc đơn: Nhà văn Hà Triệu Anh, họ tên Hà Anh ghi theo giọng Quảng Đông là Hồi – Díng, tên này nghe khó xuôi nên tác giả đặt bút danh là Hồ Dzếnh. Tuy vậy những người trong làng văn nghệ vẫn cứ trêu đùa gọi ông là Hồ Dính, có người còn đặt một vế đối: "Hồ Dính dính hồ hồ chẳng dính" để thách đối. Có một vài vế đối nhưng đều chưa chỉnh, như: "Ngọc Giao giao ngọc ngọc không giao" (mượn tên nhà văn Ngọc Giao). Cũng có người đối lại: "Vũ Bằng bằng vũ vũ chưa bằng" (mượn tên nhà văn Vũ Bằng) (dẫn từ internet). Vậy thì, nguyên tắc đầu tiên của việc viết tên riêng là phải viết đúng theo mặt chữ như nó vốn có. Trên thế giới hiện có nhiều hệ thống chữ viết với khoảng 50 bảng chữ cái khác nhau. Nhiều bảng có nguồn gốc từ hệ chữ Latinh (Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Việt…), hệ chữ Slave (Nga, Ba Lan,…), hệ chữ khối vuông (Hán, Hàn,…), hệ chữ Do Thái, chữ Hy Lạp…Có hệ chữ viết ghi âm, có hệ ghi ý. Mỗi dân tộc ghi tên riêng theo hệ chữ viết của mình. Trong quá trình giao tiếp, chúng ta có nhu cầu đọc văn bản của những dân tộc khác, ấy thế là có nhu cầu phiên âm thứ tiếng này sang thứ tiếng khác hoặc chuyển tự chữ viết này sang chữ viết khác. Mỗi ngôn ngữ đều có những đặc trưng ngữ âm riêng, có bảng chữ cái riêng nên có những hiện tượng ngữ âm và chính tả trong thứ tiếng này lại không có âm và chữ viết tương đương trong thứ tiếng khác. Hơn nữa, do năng lực thẩm âm mỗi người mỗi khác, và mỗi người lại đọc theo tiếng Anh, tiếng Pháp hay theo thứ tiếng nào đó, nên tất yếu xảy ra hiện tượng mỗi người phiên âm một kiểu và phiên âm không luôn luôn đạt được âm giống hệt như âm gốc. Và chúng ta không hi vọng có được sách công cụ tra cứu chuẩn khi phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Ví dụ 1: Tiếng Việt có thanh điệu nên khi phiên âm liền xảy ra những cách phiên khác nhau liên quan tới thanh điệu. Nếu âm cuối là âm khép –p, -t , -k ( -c, -ch) tạo ra vần “trắc”. Vần này với thanh sắc vẫn phải bỏ dấu sắc ( quan điểm của SGK vật lí), nhưng cũng có thể theo quan điểm của SGK hóa học và sinh học không có dấu sắc thì vẫn là thanh sắc (axit, cacbonat, gluxit, lipit). Ví dụ 2: Bảng chữ cái tiếng Việt không có các chữ F, J, W, Z. Vậy là gặp rắc rối khi phiên các từ bắt đầu bằng những chữ cái đó, nhất là khi những chữ đầu này thành những đơn vị đo lường: J, W, F (chữ đầu của nhà vật lí J.P. Joule, J. Watt, M. Faraday, G. Fahrenheit). Dòng điện chạy qua một mạch điện sẽ sinh công. Nói “đơn vị của công là Giun” nhưng bắt buộc viết “đơn vị của công là J” . Nói “công suất bóng đèn này là 45 oát”, nhưng bắt buộc viết “công suất bóng đèn này là 45w”. Có nghĩa là không thể phiên âm Joule, watt mà phải viết theo nguyên dạng. Hệ quả tất yếu là nhiều khi đọc các từ phiên âm khó mà tái hiện được chữ gốc. Khi đọc Noóc-mân Mây-lơ, Uy-li-am Phôn-cnơ, En-tô-ny Béc-gi-ét, Ét-na Ô-brai-en, Frăng-xoa Mô-ri-ac… mấy bạn có thể tái hiện ngay tên gốc các nhà văn này? (N. Mailer, W. Faulkner, A. Bergess, E. O’Brien, F. Mauriac). Vả lại, trong tiếng Việt làm gì có các vần cnơ, brai, Frăng… mà gọi là phiên âm sang tiếng Việt? Bạn thử mà xem, cái họ Nguyễn của người Việt nếu phiên âm sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga thì viết thế nào và liệu mấy người nước ngoài đọc đúng từ Nguyễn như người Việt? Tên thủ đô nước Nga là MOCKBA, một từ khá dễ phiên âm cũng được người Anh phiên thành Moscow, người Pháp phiên thành Moscou, người Trung Hoa lại phiên theo cách riêng và được người Việt đọc theo âm Hán Việt thành Mạc Tư Khoa. Có một thời nhiều người Việt học tiếng Nga nên thủ đô Nga cho đến nay còn được viết theo cách đọc Nga thành Mát-xcơ-va. Thử hỏi, những cách viết Moscow, Moscou, Mạc Tư Khoa, Mát-xcơ-va (tiếng Việt không có vần xcơ nên tên này thậm chí còn được viết là Mát-xì-cơ-va) đâu có được người Anh, người Pháp, người Việt đọc đúng như âm Nga của từ MOCKBA? Mà ngay cách đọc tên nhạc sĩ Ba Lan F. Chopin liệu có trùng hoàn toàn với cách đọc tên ông viết theo tiếng Ba Lan: F. Szopen? Vì vậy, không nên phiên âm mà nên chuyển tự. Các nhà ngôn ngữ học trên thế giới đã xây dựng những qui tắc chuyển tự từ hệ chữ viết này sang hệ chữ viết khác, trong đó có chuyển chữ Nga sang chữ Latinh. Theo đó MOCKBA, ПУШКИН… được chuyển thành Moskva, Pushkin…Viết như vậy thì bất cứ dân tộc nào cũng nhận ra Pushkin là ai. Tên riêng nước ngoài nhập vào tiếng Việt thế nào? Trước hết qua tiếng Trung Quốc, sau đó là tiếng Pháp và nay là tiếng Anh. Mặt khác chịu tác động của những qui luật ngôn ngữ, những tên riêng này thay đổi dần đi. Nhập qua tiếng Trung Quốc, chúng ta có những tên được viết có dấu nối: Nước Anh-Cát-Lợi, Úc-Đại-Lợi, Ý-Đại-Lợi, Bồ-Đào-Nha, Tây-Ban-Nha, Nam Dương, Phi-Luật-Tân, Thổ-Nhĩ-Kỳ, Ba-Tư, Ả-Rập, Mễ-Tây-Cơ, Hung-Gia-Lợi, …Rồi những tên thành phố, tên người Ba-Lê, Luân-Đôn, Bắc-Kinh, Bá-linh, Hán Thành, Hoa-Thịnh-Đốn, Nã-phá-luân; Hương Cảng, Cựu-Kim-Sơn, Mã-Khắc-Tư, Mạnh-Đức Tư-Cưu,…Sau đó những dấu nối được bỏ đi. Chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp, tiếng Anh nhiều tên được chuyển lại theo cách đọc Pháp, rồi cách đọc Anh: Ái Nhĩ Lan → Iếc-lăng → Ai len , Nam Dương → In-đô-nê-xia, Mễ Tây Cơ → Mếch-xích, Hung Gia Lợi → Hung ga ri, Bảo Gia Lợi → Bun ga ri, Lỗ Ma Ni → Ru ma ni…Ba Lê → Pa ri, Hoa Thịnh Đốn→ Oa sinh tơn, Hương Cảng → Hồng Kông, Bá linh→ Béc lanh , Cựu Kim Sơn → San Francisco, Mã Khắc Tư → Các Mác, Nã phá luân → Na pô lê ông… Tên riêng được hình thành theo cách phiên âm (khá tùy ý): Béc-na Sô, Sếch-xpia, Duy-ma; Tôn-xtôi, Giơ-ne-vơ… Do nguyên lí tiết kiệm trong ngôn ngữ, nhiều tên riêng tự động được rút gọn đi thành những tên rất Việt Nam: Anh Cát Lợi → Anh, Úc Đại Lợi → Úc, Ý Đại Lợi → Ý, Áo Địa Lợi→ Áo, A Mỹ Lợi Gia →Mỹ, Hung Gia Lợi → Hung …Quá trình này vẫn đang xảy ra: Báo chí thường viết ‘HLV người Bồ Calisto’ Thay đổi tên gọi theo qui định trở lại nguyên gốc mà không tham khảo ý kiến của giới ngôn ngữ học nên có vài tên không thỏa đáng: Ý → Italia; Úc→ Australia Có những chi tiết đáng để suy nghĩ: Một, những người đầu tiên phàn nàn về đổi tên Ý thành Italia là Đại sứ quán Ý: cái từ nước Ý hay như vậy, sao lại chuyển thành nước Italia? Hai, có đổi Úc thành Australia nhưng nào thấy đổi Áo thành Autriche (theo tên Pháp), Austria (theo tên Anh) hay Österreich (theo tên Đức), và chúng ta vẫn cứ nói ‘HLV người Áo A. Riedl’. Ba, nhiều báo vẫn cứ viết là đội tuyển Úc , đội tuyển Ý… Viết tên riêng nước ngoài thế nào? Cần theo mấy nguyên tắc sau: a. Tên riêng cốt để nhận biết và phân biệt, do vậy cần viết đúng theo mặt chữ như nó vốn có. Nghĩa là nếu những tên riêng không thuộc 2 trường hợp b, c dưới đây thì viết theo nguyên dạng. - Những nước theo hệ chữ Latinh thì tên riêng được giữ nguyên dạng. Ví dụ: Brazil, Mexico, Liechtenstein, California, A Einstein … Hầu hết các địa danh trên thế giới đã được viết theo tiếng Pháp và tiếng Anh và trở nên quen thuộc, vì vậy khi giữ đúng cách viết của một quốc gia về tên riêng của họ, nếu cần thiết có thể chua thêm tên tiếng Anh hoặc Pháp. Ví dụ: Đức có thành phố Koln, tên Pháp là Cologne lại rất quen thuộc với người Việt (cuối thập kỉ 50 thế kỉ trước, người Hà Nội rất hâm mộ bộ phim Đại úy thành Cô-lô-nhơ); Ba Lan có thành phố cổ Kraków rất nổi tiếng mà người Việt quen với tên Pháp là Cracovie. Trong những trường hợp này có thể viết Koln (hay Cologne), Kraków (hay Cracovie). - Những nước có hệ chữ không phải Latinh, họ phiên tên riêng sang chữ Latinh thế nào thì chúng ta theo đúng như vậy. Ví dụ: người Hàn viết Seoul thì ta cũng viết Seoul chứ không gọi là Hán Thành; Người Ấn viết Mumbai (còn gọi là Bombay) thì ta cũng viết vậy. Ta cũng theo người Nhật gọi Tokyo chứ không gọi Đông Kinh nữa. b. Tôn trọng những tên gọi truyền thống, quen thuộc – có từ trước 1945 và nay vẫn dùng - nhất là những tên gọi phù hợp với nguyên lí tiết kiệm trong ngôn ngữ. Những tên riêng gốc Hán đã vào tiếng Viết lâu đời thì giữ nguyên: Pháp, Anh, Đức, Nhật, Bỉ, Ý, Áo, Úc, Ấn Độ, Đan Mạch, Hy Lạp,… Luân Đôn, Bắc Kinh, Hồng Kông, Thiên An Môn… Với những tên riêng Trung Quốc không quen thuộc, chúng ta theo điểm a), người ta viết thế nào chúng ta viết như vậy. Tên một vận động viên bóng bàn được viết là Wang Hao thì chúng ta cũng viết vậy mà không cần truy lại cách viết Hán Việt Quang Hạo. c. Tôn trọng cách viết của một quốc gia về tên riêng của họ. Chẳng hạn, về nước Mỹ, Đại sứ quán Mỹ sử dụng hai cách viết Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (quốc gia có nhiều chủng tộc), nhưng "Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ” là tên xuất hiện trên trang web (ngày 23.6.2010) của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta chấp nhận cả ba cách viết đó. Các nhà tin học dễ dàng viết một phần mềm cho phép nhận diện được một tên riêng qua những biến thể khác nhau của nó. * * * Trong bài này tôi chỉ bàn đến cách viết tên riêng nước ngoài mà chưa bàn tới cách viết các từ vay mượn là những thuật ngữ và từ ngữ thông dụng. |
Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , , email truongsonh7@yahoo.com