Từ hư: tác tử tạo nghĩa trong tiếng Việt[1]

Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

1.      Từ thực và từ hư

1.1.     Trong truyền thống Việt ngữ học, từ vựng tiếng Việt được phân thành thực từ và hư từ (cũng gọi là từ hư). Thực từ là những từ có ý nghĩa từ vựng, có chức năng định danh và có thể đảm nhận vai trò làm các thành tố chính trong cấu tạo cụm từ và cấu tạo câu. Hư từ không có chức năng định danh, không có thể đảm nhận vai trò các thành tố chính trong cấu tạo cụm từ và cấu tạo câu. Hư từ được phân thành ba lớp phụ từ, quan hệ từ và tình thái từ gồm trợ từ, tiểu từ và cảm từ (thán từ). Hoặc Thực từ là “những từ có nghĩa từ vựng  độc lập, có khả năng hoạt động với tư cách là các thành phần trong câu.” [14], còn hư từ là “những từ không có khả năng độc lập làm thành phần của câu mà để dùng biểu hiện những kiểu quan hệ ngữ nghĩa-cú pháp khác nhau giữa các thực từ.” [14] Thậm chí về phương diện nghĩa, có người còn coi hư từ là những từ rỗng nghĩa (empty word, mot vide) [17]. Hầu như các nhà Việt ngữ học quan tâm tới từ vựng và ngữ pháp đều đề cập tới lớp từ này. Chẳng hạn Diệp Quang Ban [1], Nguyễn Tài Cẩn [2], Đỗ Hữu Châu [3], Lê Đông [11], Đinh Văn Đức [12], Cao Xuân Hạo [15], Nguyễn Văn Hiệp [21], Lê Văn Lý [17], Nguyễn Kim Thản [19], Đỗ Thanh [20], Nguyễn Minh Thuyết [21], Bùi Đức Tịnh [22], Bùi Minh Toán [23], Hoàng Tuệ [24], Phạm  Hùng Việt [25]…Những định nghĩa trên ít nhất cũng bỏ qua lớp từ phiếm định dùng để hỏi ai, nào, sao, gì, đâu, bao giờ, khi nào, … những từ vẫn có khả năng độc lập làm thành phần câu. Như: “Ai đấy?”; “Ai hỏi mà mày nói!”; “Bao giờ cho đến tháng 10” (tên một bộ phim); “ cũng được, tùy anh” (TYSCT:141); “Sao lại không đòi công bằng?” (PTH); [“Anh muốn đi đâu?] / - Đâu cũng được. Trong những câu này ai, bao giờ, gì, sao, đâu là chủ ngữ, vì nếu coi chúng là trạng ngữ hay phần phụ đứng đầu câu  thì khi bỏ đi những phần còn lại không còn là câu nữa.

 Vậy thì, ngoài liên từ, giới từ, trợ từ, hệ từ chúng tôi cũng coi lớp từ phiếm định dùng để hỏi ai, nào, sao, gì, đâu, bao giờ, khi nào, …là những từ hư.

1.2.     Thực từ dùng để tạo ra những hành vi miêu tả, tường thuật, thông báo, nhận định… không mang sắc thái nghĩa. Ví dụ:

(1)  Ba mua một căn hộ ở chung cư.

(2)  Kỳ thì đại học năm nay khó.

(3)  Loại thịt này giá 50 ngàn một ký.

2.      Từ hư: những tác tử tạo nghĩa

2.1.     Có nhiều từ hư đồng âm với thực từ. Ví dụ: Những động từ đi, lại, có, với,…đồng âm với các từ hư:  đi (Cô nói đi! Đời nào mẹ lại đi ghét con! Cộng các thứ, vị chi đi đứt 4 triệu.), lại (Có phải duyên nhau thì thắm lại.) (HXH), (Loại thịt này giá 50 ngàn một ký.), với (Con với chả cái; Cho tôi đi với.)… Trong những trường hợp này, đây là sự chuyển hóa nghĩa của động từ mà thành từ hư, là sự chuyển nghĩa nhận thức của thực từ. Một đặc điểm lô gích ngữ nghĩa của các từ hư tiếng Việt là sự chuyển nghĩa từ nghĩa gốc sang nghĩa phái sinh. [10:304]

2.2.     Nghĩa miêu tả và nghĩa nhận thức

            Nghĩa miêu tả là nghĩa được thấy trong các từ điển giải thích mà chúng ta thường gọi là nghĩa từ điển. Nghĩa miêu tả của hai từ đi và lại được [18], định nghĩa như sau:

(1)  Đi là “tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác.”

(2)  Lại là “Di chuyển ngược chiều với sự di chuyển vừa nói đến trước đó.”

Nghĩa nhận thức của một từ cơ bản là nghĩa mà từ trong tâm thức người Việt nhìn ra và khái quát lên từ nghĩa miêu tả của từ đó. Nghĩa này không được miêu tả trong những từ điển giải thích. [10:306]

             Hai động từ đi lại thể hiện sự chuyển động trong không gian. Trong tâm thức người Việt, hai từ này đối lập cơ bản với nhau về hướng vận động, và đều là di chuyển trong không gian. Chỉ sau khi ra đi mới có hành động trở lại. Do vậy đi là hành động chuyển động thuận xuất phát từ một gốc, còn lại là hành động chuyển động ngược tương ứng trở lại gốc đã ra đi. Hơn nữa từ trong sâu thẳm tâm thức, đi là một chuyển động có mục đích. Bởi lẽ từ thuở hồng hoang, con người luôn luôn phải đi tìm cái ăn và chống chọi với thiên nhiên hoang dã để tồn tại, đã đi là có mục đích. Nghĩa nhận thức của đi lại như sau [10:306]:

(I)    Đi = chuyển động + dời khỏi gốc (/mốc) + có mục đích

(II)  Lại  = chuyển động + (hướng) trở lại gốc (/mốc)

Với hai nghĩa này, chúng tôi đã giải thích được sự hình thành tất cả các nghĩa của đi lại ghi trong TĐTV. [8], [9], [10:306,311-334]

2.3.     Khái niệm tác tử

Chúng ta hiểu tác tử theo nghĩa thông thường trong logic “tác tử là yếu tố tác động vào một phán đoán sẽ tạo ra một phán đoán mới. Ví dụ các tác tử phủ định (~), tuyển (Ú), hội (Ù), kéo theo (Þ).

Trong ngôn ngữ, từ hư là những tác tử. Đó là những  yếu tố tác động vào một câu sẽ được một câu mới với nghĩa mới, một hành vi ngôn ngữ mới. Đó là những hàm ngôn (tiền giả định), những hàm ý. Có những loại tác tử sau: tác tử đơn; tác tử kép tức là cặp tác tử; tác tử là những cấu trúc trừu tượng. 

2.4.     Tác tử đơn

               Đó là những tác tử tác động vào một câu đơn. Như: có thể, cũng, vẫn, chỉ, có, mà, những, cơ, kia, lại… Ví dụ:

Từ những câu (1) – (3) thể hiện hành vi miêu tả, tường thuật, nhận định trên đây, chúng ta có hàng loạt câu mới với những nghĩa mới hoặc thể hiện những hành vi ngôn ngữ mới.

Dùng tác tử cũng tạo ra một câu có TGĐ là một phép so sánh: Kỳ thì đại học năm nay cũng khó; Loại thịt này giá cũng 50 ngàn một ký.

 Dùng tác tử có thể để tạo ra hành vi nhận định tình thái: Ba có thể mua một căn hộ ở chung cư; Kỳ thì đại học năm nay có thể khó.

Dùng tác tử đấy chứ hay chứ bộ (phương ngữ Nam Bộ) để tạo ra hành vi tường thuật bác bỏ một tiền giả định ngầm ẩn: Ba mua một căn hộ ở chung cư chứ bộ [/đấy chứ]; Kỳ thì đại học năm nay khó chứ bộ [/đấy chứ].

Dùng tác tử cơ, kia thể hiện hành vi đề nghị có hàm ý từ chối một yêu cầu ngầm ẩn

là tiền giả định của câu: Ba mua một căn hộ ở chung cư cơ [/kia]; Loại thịt này giá 50 ngàn một ký cơ [/kia].

Câu (2) là một nhận định nên không có hành vi từ chối.

Dùng tác tử đảo hướng nghĩa để tạo ra hành vi chất vấn bác bỏ một tiền giả định  thể hiện hành vi nhận định:

Ba mua một căn hộ ở chung cư (!/?); Kỳ thì đại học năm nay khó; Loại thịt này giá 50 ngàn một ký.

Có thể tạo ra hành vi chất vấn bác bỏ một khẳng định bằng những tác tử đâu có, sao được, làm gì. Ở đó đâu có bác bỏ sự tồn tại, sao được bác bỏ khả năng, làm gì bác bỏ mục đích. Ví dụ:

Ba đâu có mua một căn hộ ở chung cư; Ba mua một biệt thự sao được! Nó nói dối anh làm gì. Kỳ thì đại học năm nay đâu có khó; Loại thịt này giá 50 ngàn một ký sao được.

Trong câu (3) có từ số lượng 50 nên có thể dùng tác tử những, có, kia, thôi để đánh giá mức độ nhiều ít, cao thấp của số lượng này.

Loại thịt này giá 50 ngàn một ký » Loại thịt này giá 50 ngàn một ký thôi; Loại thịt này giá những 50 ngàn một ký » Loại thịt này giá 50 ngàn một ký kia.

Có thể dùng từ hư để tạo ra hành vi mệnh lệnh. Chúng ta giải thích được con đường hình thành nghĩa mệnh lệnh, cầu khiến cho những câu mệnh lệnh dùng từ hư.  Ví dụ: Nói đi! Dừng xe lại! Giơ tay lên! Ngồi xuống! Gấp sách lại! Mở vở ra!...

Thật vậy, nội dung của một hành vi mệnh lệnh là “thực hiện hoặc không thực hiện  một hành động A nào đó”. Những cặp hành động đứng đi, đứng và ngồi; mở gấp… đối lập với nhau về một phương diện nào đó. Như động và tĩnh (trong nói/không nói), phương thẳng đứng (trong đứng lên/ngồi xuống), đối tượng ở không gian mở hay khép (trong gấp/mở)... Người ta chỉ ra lệnh thực hiện một hành động A khi nó (A) chưa được thực hiện. Vậy thì, mệnh lệnh thực hiện hành động A có điều kiện cần là có TGĐ “A chưa xảy ra. Ra lệnh hoặc cầu khiến thực hiện A nghĩa là yêu cầu đối tượng  thực hiện hành động chuyển từ trạng thái đối lập sang trạng thái A. Từ đi có nét nghĩa chuyển động, nên nó được dùng để ngôn từ hóa hành vi cầu khiến, mệnh lệnh thành cấu trúc “A đi!” để “biểu thị ý mệnh lệnh hoặc đề nghị, thúc giục một cách thân mật” [18: mục Đi II]: Chúng ta đi chơi đi! Im đi! Tranh thủ nghỉ đi cho lại sức. Nhanh lên đi nào! Ta cứ yêu đời đi! (Như lúc ta còn thơ). Ông giáo hút trước đi. (NC) Nếu mệnh lệnh là “không tiếp tục thực hiện một hành động A nào đó” thì một điều kiện cần là có TGĐ đối tượng “đang ở trạng thái hoạt động A và mệnh lệnh này yêu cầu chuyển A trở lại trạng thái tĩnh đối lập như lúc trước. Lại là chuyển động trở lại gốc ban đầu nên động từ lại chuyển nghĩa thành từ hư lại với nghĩa “trở về trạng thái ban đầu”. Do vậy, lại được dùng để ngôn từ hóa hành vi mệnh lệnh “không tiếp tục thực hiện hành động A” thành cấu trúc “A lại!” như: Ngừng lại! Dừng xe lại! Đứng lại! Chạy chậm lại! Lùi lại!... Tương tự, Gấp sách lại!, Mở vở ra! đều là những mệnh lệnh yêu cầu đối tượng thực hiện hành động chuyển sang trạng thái đối lập trước đó (“gấp” có TGĐ đối tượng đang ở tình trạng mở nên Gấp vở lại! Gấp màn lại! Gấp chiếu lại! là những mệnh lệnh yêu cầu chuyển đối tượng sang tình trạng khép).  Hoàn toàn tương tự cho Đứng lên! Ngồi xuông! Mở cửa ra! Đóng cửa lại!

2.5.     Nhiều tác tử trong một câu

2.5.1.     Nhiều tác tử đồng hướng nghĩa trong một câu sẽ tạo ra những câu đồng nghĩa. Xem [4]. Ví dụ:

Loại thịt này giá 50 ngàn một ký » Loại thịt này giá 50 ngàn một ký thôi.

Loại thịt này giá những 50 ngàn một ký » Loại thịt này giá những 50 ngàn một ký kia.

2.5.2.     Nhiều tác tử không đồng hướng nghĩa tác động vào một câu sẽ làm phong phú nghĩa của câu theo nghĩa của từng tác tử. Ví dụ: Từ câu (3) chúng ta được những câu:

(3)         Loại thịt này giá 50 ngàn một ký.

(3a) Loại thịt này giá cũng 50 ngàn một ký.

(3b) Loại thịt này giá những 50 ngàn một ký.

(3c) Loại thịt này giá cũng những 50 ngàn một ký.

(3d) Loại thịt này giá cũng những 50 ngàn một ký.

            Câu (3a) là một hành vi thông báo có hiển ngôn như câu (3) và có TGĐ là một sự so sánh. Câu (3b) là một hành vi đánh giá. Nó cũng có hiển ngôn như câu (3) nhưng còn thêm hàm ý: người nói câu này cho rằng giá 50 ngàn một ký là cao.

            Câu (3c) có từ cũng như (3a), có từ những như (3b) nên nghĩa của câu này là nghĩa của hai câu trên gộp lại: hiển ngôn như câu (3), có TGĐ là một sự so sánh như câu (3a) và là một hành vi đánh giá như câu (3b) người nói cho rằng giá 50 ngàn một ký là cao.

      Câu (3d), so với câu (3c), có thêm từ là “một tín hiệu của cấu trúc nghịch nhân quả[7]. Do vậy nó đảo hướng đánh giá của người nói, được từ vựng hóa bằng từ “lẽ ra” và tạo ra một hàm ý mới. Nghĩa của (3d) = nghĩa của (3c) + lẽ ra giá không cao như vậy» loại thịt này giá 50 ngàn một ký, có TGĐ là một sự so sánh, là một hành vi đánh giá người nói cho rằng giá 50 ngàn một ký là cao và lẽ ra giá không cao như vậy.

2.6.           Tác tử kép hay là cặp tác tử

               Đó là những tác tử tác động vào một câu ghép hay câu phức. Đây là những cặp từ nối (liên từ) biểu hiện quan hệ nhân quả hoặc nghịch nhân quả.  

2.6.1.           Cặp tác tử trong cấu trúc nhân quả

2.6.1.1. Theo truyền thống Việt ngữ học có những cặp liên từ thể hiện những quan hệ điều kiện-kết quả (nếu – thì, bao giờ  – thì ), nguyên nhân-kết quả (vì – nên), quy luật nhân quả (khi – thì/là, hễ  - là, cứ - là, động – là), giả định-kết quả (giá – thì).

Những kiểu quan hệ khác nhau trên đây có một đặc điểm chung  mà chúng tôi gọi là  quan hệ  nhân quả, một quan hệ bao chứa những quan hệ trên. Hai hiện tượng xy có quan hệ nhân quả là khi xảy ra hiện tượng x thì sẽ  xảy ra  hiện tượng y . Nghĩa là:

(III)    x Þ  y                                                            

Cấu trúc lô gích (III) có nhiều biến thể ngôn ngữ khác nhau: Nếu … thì…; Vì … nên…; Bởi vì…nên…; Do … mà..;  Khi… thì…; Hễ …thì/là…; Cứ … là…; Động … là….

2.6.1.2. Trong giao tiếp, con người luôn luôn có nhu cầu  suy luận, lập luận và những lối nói có HVNN gián tiếp. Công cụ logic hình thức chủ yếu phục vụ cho những mục đích này là hai tính chất của phép kéo theo [(x Þ  y) Û (~y Þ ~x) Û (~x ) Ú y)] và các tam đoạn luận MP, MT, HS và DS:

            (MP)    modus ponens:                 (( x Þ y) Ù x) Þ y   

            (MT)    modus tollens:                 (( x Þ y) Ù ~ y) Þ  ~ x   

            Tam đoạn luận giả thiết HS (hypothetical syllogism), còn gọi là tam đoạn luận bắc cầu:     (HS)                         [(x Þ y) Ù (y Þ z ) ] Þ ( x Þ z) 

 Tam đoạn luận tuyển DS (disjunctive syllogism):

(DS)                [( x Ú y) Ù ~ x)] Þ y , cũng tức là  [( x Ú y) Ù ~ y)] Þ x 

            Trong ngôn ngữ tự nhiên, loại câu nhân quả  “Nếu  x  thì  y”, “Vì  x  nên y” … có thể được hiểu x đồng thời là điều kiện đủ của y (x Þ  y) đồng thời là điều kiện cần của y  (~x Þ ~y) ” [7:238].

            Giải thích: Vì (x Þ y) Û (~y Þ ~x), mà x chỉ có hai khả năng x hoặc ~x (theo luật bài trung) nên từ ~x sẽ chỉ suy ra ~y. Do vậy x được hiểu là điều kiện đủ duy nhất của y. Nghĩa là chúng ta có tam đoạn luận đặc thù của ngôn ngữ tự nhiên MV:

(MV)                  (( x Þ y) Ù ~x) Þ ~y  

            Từ các TĐL trên đây kết hợp với các quy luật tiếng Việt như “Có phương thức bác bỏ bằng cách chất vấn.” [7: 391-403]; “Tác động tới yếu tố phiếm định là tác động tới tất cả.” [6] chúng ta chứng minh được những cách dùng các tác tử nếu, thì, mà tạo thành  những lối nói có hàm ý và những HVNN gián tiếp như thề bồi, khuyên nhủ, can gián, cảnh báo, đe dọa, cấm đoán, khẳng định…Ví dụ: “Tôi mà nói dối thì tôi làm con cho anh.” (® Tôi không nói dối); “Thả hết ra thì còn mặt mũi nào.” (NMT) ® không nên thả hết ra; “Mày mà thi trượt đại học thì đừng có trách.” (® mày phải thi đậu đại học); “Cứ thế này thì đi ăn mày.” (NC, Đời thừa) (® không thể như thế này mãi được); “Nếu ngài không ra tranh cử thì còn ai nữa? (Giông tố) (® ngài nên ra tranh cử) ;  “Nếu cô ta là người mẫu thì mày thành hoa hậu mất.” (® cô ta không thể là người mẫu được); “Theo chị, em càng ghen vô lối như thế thì chồng  càng chán em.  Mà càng chán em thì nó càng có lý do để đi với bồ.” (® Em đừng ghen vô lối như thế); “Cái Hiên mà hát thì người ta tưởng tao đang bóp cổ nó.” (® Cái Hiên hát tiếng the thé ® rất dở); “Nếu mày bán mảnh đất hương hỏa của dòng tộc thì cầm dao đâm chết tao đi đã.” (® Mày không được bán mảnh đất hương hỏa)…

2.6.2.     Cặp tác tử trong cấu trúc nghịch nhân quả

2.6.2.1.    Quan hệ nghịch nhân quả là một quan hệ trái ngược với lẽ thường về quan hệ nhân quả. Giả sử giữa hai đối tượng X và Y có quan hệ nhân quả A Þ B, nghĩa là khi X ở trạng thái A thì Y sẽ ở trạng thái B. Thông thường là như thế. Nhưng trong thực tế cũng có những trường hợp trái nghịch với lẽ thông thường ấy: X đã ở trạng thái A mà Y chưa ở trạng thái B, hoặc X chưa ở trạng thái A nhưng Y đã ở trạng thái B. Lúc đó, chúng ta nói giữa X và Y đã xảy ra quan hệ nghịch nhân quả (NNQ). Có những hình thức ngôn ngữ khác nhau phản ánh quan hệ NNQ.

Cấu trúc tổng quát là kiểu câu NNQ “tuy…nhưng (mà)…” được giới Việt ngữ học gọi là nhượng bộ tăng tiến, như [16], [24]. Có hai kiểu NNQ. Đó là NNQ sớm và NNQ muộn [5]. Ở hai kiểu quan hệ này có những cặp từ đặc trưng khiến ta có thể lược bớt các từ tuy…nhưng (mà)… Nói cách khác:

Cấu trúc NNQ sớm được đặc trưng bằng những cặp tác tử:  

(IV)   Còn A (mà) đã B; mới A (mà) đã B; chưa A (mà) (cũng) đã B

Cấu trúc NNQ muộn được đặc trưng bằng những cặp tác tử:  

(V)   Đã A (mà) vẫn B; đã A (mà) còn B; đã A (mà) (cũng)(vẫn) chưa B

Những câu chứa các cặp từ trên (có thể lược bớt từ hư thứ nhất) luôn luôn có lược đồ nghĩa khái quát là lý lẽ: B xảy ra là quá sớm (IV) hoặc quá trễ (V). Tùy nội dung cụ thể của A và B mà lược đồ nghĩa này trở thành những hàm ý xác định.

            Ví dụ: “Chưa khỏi rên đã quên thầy.” (® B xảy ra là quá sớm ® nói về loại người sớm vô ơn); “Mới ngày nào mái tóc còn xanh, mà nay đã phơ phơ đầu bạc” (®B xảy ra là quá sớm ® thời gian trôi nhanh quá); “Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ” (Hoàng Lộc) (®B xảy ra là quá sớm ® anh hy sinh đột ngột quá); “Giờ này nó vẫn chưa đến.” (® B xảy ra là quá trễ ® Lẽ ra nó phải đến trước giờ này khá lâu rồi); “Sắp đánh nhau rồi còn đi mua táo, [kháng chiến gì những người này]” (NHT) (®B xảy ra là quá trễ ® người ta có thể đi mua táo vào lúc nào chứ  lúc này (sắp đánh nhau rồi) thì không được đi mua táo.”

2.7. Tổ hợp những từ hư: cấu trúc trừu tượng  hay là lược đồ siêu ngôn ngữ

2.7.1. Cấu trúc trừu tượng (CTTT): khái niệm

Một cấu trúc chỉ chứa những yếu tố trống nghĩa và những từ hư sẽ gọi là một CTTT.

Trong tiếng Việt có những câu là những cấu trúc trừu tượng. Chúng tôi  đã chứng minh rằng trong tiếng Việt có những CTTT độc lập với ngữ cảnh và mang những nghĩa xác định. “Ở những kiểu câu nhất định thì có những kiểu hàm ý nhất định mà chúng ta có thể khái quát thành sơ đồ” [7:243]. Sơ đồ này chính là cấu trúc trừu tượng.

Ví dụ: “A thì A”; “A mà lại”; “Không A thì cũng B”; “A gì mà  B  thế?”;  “A không X thì còn ai X”; “A mà X thì còn ai không X”;  “V thế [/vậy] mà được?” (với V là động từ); “A mà cũng B à?”;  “A mà lại thế”; “Đến A mà cũng B?”…Trong những câu trên, A, B, V là những yếu tố  trống nghĩa, những yếu tố còn lại là những từ hư. Vì vậy chúng là những CTTT và cũng được gọi là lược đồ cấu trúc. Những CTTT là những cấu trúc siêu ngôn ngữ.

2.7.2. Lược đồ nghĩa

Vì một lược đồ cấu trúc chỉ bao gồm những yếu tố trừu tượng nên nghĩa của chúng  là những nghĩa khái quát, độc lập với ngữ cảnh và được gọi là lược đồ nghĩa.  Mỗi khi những yếu tố trừu tượng được từ vựng hóa bằng những từ ngữ cụ thể thì lược đồ nghĩa mới trở thành những nghĩa xác định. Tác tử thì có vai trò quan trọng trong việc hình thành những lược đồ nghĩa. Ví dụ:

(1)  A (x) thì A”, ở đó x là một từ phiếm định sao, mấy, gì, đâu, nào … Đây là hành vi chấp nhận A ở mức cao hơn, một hành vi bất chấp A.

(2)  A thì  có!”, Đây là hành vi bác bỏ một TGĐ ngầm ẩn B trái ngược với A.

(3) Không A thì cũng B” là một hành vi đánh giá, thể hiện sự khẳng định A hoặc khẳng định B ở mức thấp hơn mức A một chút. Nó không phải là một câu điều kiện-kết quả, tuy về hình thức thì có vẻ như vậy. Chẳng hạn “Không thành công thì cũng thành nhân.” hay “Đi xe bạt mạng như thế, không sớm thì muộn cũng bị tai nạn giao thông.” ® sẽ bị tai nạn sớm hoặc bị tai nạn muộn ® tất yếu sẽ bị tai nạn giao thông.

(4)  “A thì cũng x” là một  hành vi bác bỏ, không chấp nhận ảnh hưởng hoặc vai trò của A  (hoặc hệ quả suy ra từ A) tới sự việc x sẽ xảy ra.

(5)  “A không x thì còn ai [/B nào] x (nữa)?” là hành vi khẳng định A ở cực cấp mức độ x. Ví dụ : 1) “Formosa không hủy hoại môi trường thì còn công trình nào hủy hoại môi trường nữa?”  2) “Cô ấy không Hoạn Thư thì còn ai là Hoạn Thư nữa?”

(6)  “A mà lại” là hành vi giải thích: A được dùng để giải thích cho một điều đã nêu trước đó.

(7)  “A gì mà lại B (thế/vậy)” là hành vi khẳng định đối tượng này không xứng đáng là A.

Lược đồ (7) trên đây có một TGĐ là đã xảy ra sự kiện B ở đối tượng là A. Dựa trên lý lẽ ngầm ẩn “A sẽ dẫn tới kết quả không B” trong lược đồ đó mà chúng ta suy ra lược đồ nghĩa là hành vi khẳng định. 

         Trong CT trên, nếu lược bớt một trong hai từ “mà” hoặc “lại”  hàm ý của nó vẫn vậy. Hai câu “A gì mà  B thế”, “A   lại B thế” đều có hàm ý “đối tượng này không đáng là A”.

            Lưu ý: Ở cấu trúc trên, nếu cuối câu đặt dấu hỏi thì nó là câu hỏi thực sự. Ví dụ: “Ân oán cá nhân gì mà lại hành hạ nhau như thế?” (ACMXE) “Chuyện gì mà lại không gặp nhau thế?” (TLMN, 4.2012, HTV)

2.7.3. CTTT và quán ngữ

2.7.3.1. Khái niệm quán ngữ (habitual collocation). Quán ngữ được định nghĩa là “Những cụm từ được dùng lặp đi lặp lại trong các loại văn bản để liên kết, đưa đẩy, rào đón hoặc nhấn mạnh nội dung cần diễn đạt nào đó. Mỗi phong cách thường có những quán ngữ riêng. […] của đáng tội, nói khí vô phép… thường được dùng trong phong cách hội thoại. […]  có thể nghĩ rằng, nghĩa là… thường được dùng trong phong cách sách vở. […] quán ngữ chiếm vị trí trung gian giữa cụm từ tự do và các kiểu cụm từ cố định.” [14:436-437]  

2.7.3.2. Có những CTTT một khi bỏ đi các yếu tố trống nghĩa các từ hư còn lại kết hợp với nhau thành quán ngữ. Ví dụ: có những CTTT sau:

“A đấy chứ [/chứ bộ] là hành vi khẳng định A để bác bỏ một TGĐ là lời khẳng định ngầm ẩn B;

Vả lại A” , Hơn nữa A” là những hành vi bổ sung chứng cứ A cho một lập luận.

Thì ra A” là hành vi xác nhận, bộc lộ một phát hiện A mới mẻ trong nhận thức.  Với “ý nghĩa “bộc lộ, phát hiện”  từ ra kết hợp với một số động từ tạo ra hàng loạt quán ngữ thể hiện ý nghĩa “phát hiện” trong nhận thức: té ra, hoá ra, thì ra là, thế ra…tổ hợp ra với danh từ cũng tạo ra ý nghĩa “bộc lộ, làm cho thấy”: ra bộ, ra vẻ, ra tay, (thiên vị) ra mặt, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai…  xem [7:346] “Thì ra  đến lúc cùng, lão cũng có thể làm liều như ai hết.” (Lão Hạc, NC); “Phải đến khi truyện Lão Hạc khép lại, ta mới thấy ớn lạnh: thì ra toàn bộ câu chuyện là một cuộc chuẩn bị để chết của một con người!” (CVS)

Có điều A là hành vi điều chỉnh, giới hạn lại phạm vi, mức độ một điều B  đã nêu trước đó. Ví dụ: 1) “- Thôi được! Nếu con đã nói vậy mẹ cũng không cấm cản. Chỉ có điều, con đừng bao giờ quên những lời hứa của mình.” (NNA) [®Điều chỉnh hành vi cho phép.]; 2) ‘‘…Cách viết của ông bao giờ cũng khuôn thước, cổ điển, mà lại tự nhiên ‘‘không bày tỏ dấu hiệu nào của sự cố gắng”. […] Có điều, […] sự trong sáng ‘‘có vẻ như một sự tình cờ nhờ may mắn mà có’’ ở Môôm thật ra cũng là sự trong sáng mà ông phải nỗ lực rất nhiều mới đạt tới’’ (Lời giới thiệu, Mưa) [® điều chỉnh lại nhận thức]

            Trong những CTTT trên, những chuỗi từ hư còn lại đều là những quán ngữ: đấy chứ, chứ bộ, vả lại, hơn nữa, thì ra, thì ra là, té ra, hoá ra, thế ra,  ra bộ, ra vẻ, ra tay, (thiên vị) ra mặt, ra cái điều…

2.7.3.3. (Người mà) đến thế thì thôi (Truyện Kiều)

Có thể giải thích được lý do hình thành những quán ngữ vừa trình bày qua các từ hư trong đó. Trước hết, chúng ta quan sát thêm trường hợp của ĐẾN.

      Trong [18] nghĩa thứ III của “đến” là một trợ từ. Tính có lý do của những quán ngữ ghi trong [18] đều liên quan đến nghĩa nhận thức của động từ đến đã chuyển hóa thành từ hư đến.

Hai động từ đến tới nhìn thoáng qua thì đồng nghĩa, chúng có thể thay thế cho nhau trong mọi câu mà nghĩa hầu như vẫn vậy. Nhiều từ điển tiếng Việt dùng từ tới để giải thích từ đến, như [26], [13]. Tuy nhiên đến nỗi, đến cùng, đến điều, đến nơi được ghi thành những mục từ trong [18] nghĩa là ở đó đã coi chúng là những tổ hợp từ cố định nhưng không có mục từ tương ứng với từ tới. Trong tâm thức người Việt thì tới là chuyển động hướng tới một đích còn đến là chuyển động đi tới tận cùng đích đến. Do vậy, nghĩa nhận thức của từ ĐẾN là:

(VI)      Đến = chuyển động + tới tận đích

Từ quan hệ không gian chuyển động “tới tận đích” này đã hình thành một quá trình chuyển nghĩa dẫn tới định hướng nghĩa của từ hư đến trong nhận thức của chúng ta. Đến đích là đến điểm cuối cùng của chuyển động. Mà điểm cuối là cực điểm nên đến đích sẽ chuyển thành đến cực điểm (cao nhất hoặc thấp nhất), điểm cuối của kết quả, của sự kiện x. Đến đích đỉnh là thành công và được đánh giá rất cao. Đến đích đáy là thất bại và bị đánh giá rất thấp.  Như vậy, trong tâm thức người Việt, cụm từ “ĐẾN + x” luôn luôn tạo ra nhận thức “x là mức độ rất cao [/rất thấp] nếu không muốn nói là cao nhất [/thấp nhất]”. Tùy ngữ cảnh điều này trở thành những hàm ý thích hợp.

Do vậy hàng loạt cấu trúc “ĐẾN + x” trở thành quán ngữ và được miêu tả như một đơn vị từ điển. Ví dụ: đến nỗi, đến cùng, đến điều, đến nơi [18]; đến đỗi, đến điều, đến mức; đến nỗi, đến nước, đến sức [13]. Trong những cụm từ “đến x” như đến lạ, đến là, đến lắm, đến phải, đến thế, đến nước, có đến, không có đến… từ đến luôn luôn tạo ra định hướng nghĩa “x ở mức độ rất cao”.

      Có thể giải thích được định hướng nghĩa của những quán ngữ trên. Ví dụ: đến nỗi. Danh từ nỗi có sắc thái âm tính còn niềm có sắc thái dương tính: nỗi buồn, nỗi khổ, nỗi nhớ, nỗi bất công…nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc,niềm hy vọng, niềm tự hào…  Kết hợp đến với nỗi sẽ tạo ra cấu trúc “A đến nỗi x” luôn luôn có nghĩa là “x là mức độ âm tính rất cao của A” , nếu không muốn nói đó cực điểm. Ví dụ: “Nhỏ đến nỗi tưởng như con gà gáy to ở đầu đảo, cuối đảo cũng nghe thấy (NK)”, “Mê trò chơi điện tử đến nỗi quên ăn quên ngủ”.

Dù là danh từ hay động từ khi kết hợp với đến cũng đều tạo ra nghĩa như vậy: “Cuộc ăn vạ này, chúng làm hại lão ta đến hơn trăm bạc.” (NTT) [® hại rất nhiều]. Đến ông ấy cũng không quyết được việc này” [® ông ấy là người có thẩm quyền rất cao, thậm chí cao nhất, trong những người có khả năng quyết được việc này ® việc này cực kỳ khó quyết định]. “Đến cậu mà cũng nói như thế à?” (RCC) [® cậu là hạng người ở mức độ cao nhất không nói như vậy ® cậu nói như thế làm tôi ngạc nhiên]. “Con lo cho mẹ lắm. Đến như con mà cũng bị mẹ quyến rũ” (TCTT) [® con gái ở mức độ thấp nhất bị mẹ quyến rũ ® mẹ vô cùng quyến rũ.] “Đồ ngu! – tôi nói – Thôi phóng đi. Có những người đến lạ!” (Giamilia). [® rất lạ thường ® rất ngu]; “Cái phố ấy đến lắm nhà” (LBC) [® rất lắm nhà]. “Con bé đến ngoan” [® rất ngoan]. “Đến mai Ba mới về” [®còn rất lâu Ba mới về]. “Không chỉ có hối hận suông, tôi còn cắn tay đến chảy cả máu” (NLMĐ) [® cắn rất mạnh ® rất hối hận]. “Dại đến nước ấy thì hết nói” [ ® rất dại]. (Một đám cưới đời sống mới) “Không có complê, áo dài… Không có đến một đám rước dâu, dù là một đám rước dâu cưới chạy vào giữa nửa đêm như đám cưới của Cục và Bính ngày nào.” [® rước dâu là nghi thức tối thiểu trong một lễ cưới) (TCTT); “Nom đến bướng bỉnh” [® rất bướng bỉnh]. “Nhưng nó chưa kịp đáp câu hỏi tẹp nhẹp, thì hàn Thưởng đã cau mặt cự vợ: Đàn bà đến vớ vẩn” (TTTS) [® cực kỳ vớ vẩn]; ‘Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình.’ (KL) [® con mình ở mức rất thấp một phụ nữ có thể chấp nhận]. Tôi ngồi đây đến một tiếng đồng hồ rồi.[® một tiếng đồng hồ là rất nhiều theo quan điểm của người nói]. “Ông ấy có đến 7 người con” [® có rất nhiều con]. “Họ kéo nhau lên UB, (có) dễ đến 40 người” [® rất nhiều người ® người nói cho rằng kéo nhau lên UB 40 người là rất nhiều…] Lo đến phát ốm. Học đến quên ăn quên ngủ…

            Tới đây chúng ta dễ dàng giải thích được vì sao “A đến thế thì thôi” là hành vi đánh giá A ở mức độ cực điểm.  “Thế” một đại từ hổi chỉ một sự kiện, khi kết hợp với đến thì  đến thế có hàm ý rằng sự kiện đó ở cực điểm. Thôi là ngừng, là kết thúc không còn gì để đánh giá, bàn luận, cũng là cực điểm thấp.  Kết quả là đến thế thì thôi, một quán ngữ thể hiện hành vi đánh giá một sự kiện ở mức độ cực điểm, không có gì để nói, để bình luận nữa: Sướng đến thế thì thôi; Khốn nạn đến thế thì thôi; Người mà đến thế thì thôi. (Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!) (Truyện Kiều)
 

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1.         Diệp Quang Ban,  2005, Ngữ pháp tiếng Việt, nxb Giáo Dục

2.         Nguyễn Tài Cẩn, 1975, Ngữ pháp tiếng Việt, Tiếng – từ ghép – đoản ngữ, nxb ĐH&THCN,

3.         Đỗ Hữu Châu, 1981, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, nxb Giáo dục

4.         Nguyễn Đức Dân, 1984a, Ngữ nghĩa các từ hư: Định hướng nghĩa của từ,   NN,  số 2

5.         Nguyễn Đức Dân, 1984b, Ngữ nghĩa các từ hư: Nghĩa của cặp từ,  NN, số 4

6.         Nguyễn Đức Dân, 1985, Một số phương thức thể hiện ý tuyệt đối,  NN, số 3.

7.         Nguyễn Đức Dân, 1996, gích và tiếng Việt, nxb Giáo dục

8.         Nguyễn Đức Dân, 2010, Con đường chuyển nghĩa của từ cơ bản: Trường hợp của LẠI, Ngôn ngữ, số 11

9.         Nguyễn Đức Dân, 2013, Con đường chuyển nghĩa của từ ĐI, 42 – 46, 84, Từ điển học và Bách khoa thư, số 60

10.    Nguyễn Đức Dân, 2016, Logic-ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt, nxb Trẻ

11.    Lê Đông, 1992, Ngữ nghĩa – ngữ dụng  của hư  từ: siêu ngôn ngữ và hư  từ tiếng Việt ,  NN , số 2

12.    Đinh Văn Đức, 1986, Ngữ pháp tiếng Việt: từ loại,  nxb  ĐH &THCN

13.    Lê Văn Đức, 1970, Việt Nam tự điển (VNTĐ),  Lê Ngọc Trụ (hiệu đính), nhà sách Khai Trí, Sài Gòn

14.    Nguyễn Thiện Giáp, 2016, Từ điển khái niệm ngôn ngữ học, ĐHQG Hà Nội

15.    Cao Xuân Hạo, 1991, Tiếng Việt: sơ thảo ngữ pháp chức năng, nxb KHXH

16.    Trần Trọng Kim (& Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm), 1943, Việt Nam văn phạm, bản in lần thứ tư, Hà Nội  

17.     Lê Văn Lý, 1949, Le parler vietnamien, Hương Anh, Paris

18.    Hoàng Phê (chủ biên), 1992, Từ điển tiếng Việt, (TĐTV), Viện ngôn ngữ học,

19.    Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập I, 1963 &  tập II, 1964, nxb Khoa Học, Hà Nội

20.    Đỗ Thanh, 1998, Từ điển từ công cụ tiếng Việt , nxb GD, Hà Nội

21.    Nguyễn Minh Thuyết &Nguyễn Văn Hiệp, 2004, Thành phần câu tiếng Việt, nxb GD

22.    Bùi Đức Tịnh, 1968, Văn phạm Việt Nam, giản dị và thực dụng, Trung tâm học liệu, Bộ Giáo dục, Sài Gòn

23.    Bùi Minh Toán, 2013, Hư từ tiếng Việt – tiếp cận tích hợp từ lý thuyết ba bình diện, NN ,số 3   

24.    Hoàng Tuệ, 1962, Giáo trình về Việt ngữ, tập 1, Hà Nội

25.    Phạm  Hùng Việt, 2004, Trợ từ trong tiếng Việt hiện đại,  nxb KHXH, Hà Nội

26.    VNTĐ: Việt Nam tự điển, 1931, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội.

 

Nguồn dẫn liệu (tác giả và tác phẩm)

ACMXE – Anh chẳng muốn xa em, phim VTV3; CVS – Chu Văn Sơn; HXH - Hồ Xuân Hương, Mời trầu; KL – Kim Lân, Vợ nhặt; LBC – Lý Biên Cương; NC – Nam Cao, Lão Hạc; NHT – Nguyễn Huy Tưởng, Những người ở lại; NK – Nguyễn Khải, Chúng tôi ở Cồn Cỏ; NLMĐ – Nghìn lẻ một đêm (truyện dịch); NMT – Nguyễn Mạnh Tuấn, Cù lao Tràm; NNA – Nguyễn Nhật Ánh, Bong bóng lên trời; NTT – Ngô Tất Tố, Một cuộc ăn vạ; PTH – Phạm Thị Hoài, Cam tâm; RCC – Rừng chắn cát, phim VTV3; TCTT – Thời của thánh thần; TLMN –Thay lời muốn nói; TYSCT: Tình yêu sau chiến tranh; VTP – Vũ Trọng Phụng, Giông tố

Ký hiệu & những chữ tắt

Þ: phép kéo theo; ®: hàm ý; CTTT: cấu trúc trừu tượng; DS: tam đoạn luận tuyển; HS: tam đoạn luận giả thiết; HVNN: hành vi ngôn ngữ; MP: tam đoạn luận modus ponens (suy luận theo điều kiện đủ);  MT: tam đoạn luận modus tollens (suy luận theo điều kiện cần);  NNQ: nghịch nhân quả; TĐL: tam đoạn luận; TGĐ: tiền giả định  

 

 

 

Tóm tắt

Từ hư: những tác tử tạo nghĩa trong tiếng Việt

Bài này chứng minh rằng từ hưnhững yếu tố tác động vào một (/nhiều) câu sẽ được một (/nhiều) câu mới với nghĩa mới hoặc một hành vi ngôn ngữ mới. Đó là những tác tử tạo ra hàm ý trong tiếng Việt. Tác tử đơn tác động vào một câu đơn còn tác tử kép, tức là cặp tác tử, tác động vào một câu ghép biểu hiện quan hệ nhân quả hoặc nghịch nhân quả.  Dùng các TĐL trong logic mệnh đề kết hợp với  hai quy luật “bác bỏ bằng cách chất vấn” và “tác động tới yếu tố phiếm định là tác động tới tất cả.” của tiếng Việt chúng tôi chứng minh được những lối nói tạo thành hàm ý và những HVNN gián tiếp. Trong tiếng Việt có những khuôn ngôn ngữ tạo thành những cấu trúc trừu tượng có những lược đồ nghĩa xác định. Những cặp từ trỏ quan hệ nghịch nhân quả luôn luôn tạo ra những câu có hàm ý hoặc những lý lẽ ngầm ẩn.

Từ khoá: hàm ý, hành vi ngôn ngữ, lược đồ nghĩa, quan hệ nghịch nhân quả, quan hệ nhân quả, tác tử, từ hư,

Abstract

Empty words: operators that create implications in the Vietnamese language

This paper shows that empty words are those that when interacting with a sentence will create a new sentence with new meanings or new speech acts. Thus, empty words are operators that create implications in the Vietnamese language. Single operators interact with single sentences while composite operators, meaning pairs of operators, interact with complex sentences to express causal relations or anti-causal relations. Using syllogisms in propositional logic combined with two principles “refute by questioning” and “interact with indefinite elements meaning interacting with everything” of the Vietnamese language, I prove that there are ways of saying that create implication and indirect speech acts. In the Vietnamese language, there are language schemata that create abstract structures with definite semantical schemata. Those pairs of words that imply anti-causal relations always create sentences with implications or implicit arguments.

Key words: anti-causal relation, causal relation, empty word, implication, operator, semantical schema, speech act.



[1] Bài đã đăng trong t/c Ngôn ngữ, số 7.2017, trang 3 – 15