Triết lí tiếng Việt trong thượng cẳng chân hạ cẳng tay

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Tôi thường nghe nhiều lời bình (và cả một số bài viết) về những hiện tượng “phi lí”, “thiếu lô gích” ở tiếng Việt. Trong số này có thành ngữ (TN) thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chân thấp tay cao, sao lại là thượng cẳng chân? Có giáo sư giải thích rằng chân đá hất lên cao, tay đập xuống nên mới nói vậy. Và cũng có bài viết theo như thế. Bạn có thể hỏi cắc cớ thế chân đạp, tay thụi có phải là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không? Cái “phi lí” của TN này mạnh đến nỗi hai nhà nghiên cứu văn học dân gian NL và LVĐ trong quyển từ điển Thành ngữ tiếng Việt (1978, nxb KHXH) được đánh giá cao, khi trích dẫn TN này cũng đã sửa lại cho nó “lô gích” hơn (?): “Bà cai Hách không dám hé răng nửa lời, vì cai Hách là kẻ phàm phu, chỉ biết có thượng cẳng tay, hạ cẳng chân (Vũ Trọng Phụng, Giông Tố)”. Quyển Từ điển thành ngữ Việt Nam (1993, nxb VH) của một nhóm tác giả thuộc Viện NNH cũng dùng lại lời trích dẫn đã bị sửa lại này. (Hay những tư tưởng sai thì gặp nhau?) Thật ra nhà văn họ Vũ viết “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” (GT, chương 27).
Tôi tâm đắc câu cái gì hợp lí thì tồn tại của triết gia người Đức G.W. Leibniz và đi tìm cái lí cho những cách nói có vẻ “phi lí” nhưng vẫn được dùng rất bình thường này.
Trước hết, mời các bạn quan sát và trả lời những câu hỏi sau:
Trong vở Thị Màu lên chùa, người mõ “chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ, Tây Đông, con gái phú ông là Thị Màu không chồng mà chửa…” Vì sao lời trình thượng hạ, Tây Đông là lời trình tới cả làng?
Tô Hoài viết “Họ buôn ghê lắm, thượng vàng hạ cám. Từ cái bát ăn đến sợi tơ bóng, tơ mờ của Nhật nhà cậu vẫn làm đấy…” (Mười năm) Vì sao buôn thượng vàng hạ cám được hiểu là buôn đủ mọi thứ?
Nghĩa của câu “Làm trai cho đáng nên trai // Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” là “tài trai là đi tới nơi nào liền đưa lại yên bình cho nơi đó” Vì sao xuống Đông lên Đoài được hiểu là đi khắp nơi?
Vì sao “đầu đuôi câu chuyện” được hiểu là “toàn bộ câu chuyện”?
Và một bài thơ tứ tuyệt châm biếm:
“Khen ai khéo khéo tạc con voi
Có đủ cả đầu đủ cả đuôi
Chỉ có cái kia là chẳng thấy
Hay là thầy Lý bớt đi rồi?”
Vì sao chỉ cần “có đủ cả đầu đủ cả đuôi” là thành con voi? Thiếu những bộ phận khác chỉ là chuyện vặt, không ăn nhằm gì. Người ta nhắc tới “cái kia” cốt châm biếm thầy Lý hay bớt xén, ăn bẩn của dân. Vậy thôi.
Tục ngữ “Con vua vua dấu, con châu chấu châu chấu yêu” có nghĩa “Mọi sinh vật đều yêu con cái mình.” Vì sao cặp từ vua-châu chấu được hiểu là mọi sinh vật? Còn “Chuyện bậy bạ của quan chức X chỉ một hôm là trong Nam ngoài Bắc đều biết” có nghĩa “…chỉ một hôm cả nước đều biết.” Vì sao cặp từ Nam-Bắc lại là cả nước?
Chúng ta qui nạp: các cặp từ thượng - hạ, đầu - đuôi, Đông- Đoài, Nam – Bắc, vua – châu chấu, …giống nhau ở chỗ đều trỏ hai cực của một chỉnh thể và chung nghĩa “tất cả”. Vậy đã rõ: Người Việt có triết lí lấy hai cực để biểu trưng tổng thể và tạo ra nghĩa tất cả. Chúng ta nêu vài ví dụ:
Đất nước hình chữ S có hai cực Bắc – Nam, nên câu “Từ Bắc chí Nam người ta đều làm thế” có nghĩa “Cả nước đều làm thế”.
Theo chiều thẳng đứng có hai cực trên – dưới, nên câu “Trên dưới một lòng” được hiểu là “Mọi người đều một lòng”.
Theo phương mặt trời mọc lặn có hai cực Đông – Tây (Đoài là phương Tây), nên “chuyện Đông, chuyện Tây” là chuyện đủ mọi nơi trong thiên hạ. Còn “xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” có nghĩa là “đi đến nơi nào là dẹp yên loạn lạc nơi đó”.
Theo trục thời gian có hai cực xưa – nay, trước – sau nên “Lệ làng này xưa nay là vậy” có nghĩa là “Mọi thời, lệ làng này là vậy”. Còn “Trước sau vẫn vậy” nghĩa là “luôn luôn vậy”.
Theo phương nhìn thẳng có hai cực trước – sau nên “Trước sau nào thấy bóng người” nghĩa là “không thấy một ai quanh ta”. Còn “Mắt trước mắt sau” là “để ý tới mọi phương” (và chuẩn bị chuồn).
Nghĩa của “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” được hình thành thế nào?
TN này có hai cặp từ (thượng, hạ) và (cẳng chân, cẳng tay). Cặp (thượng, hạ) trỏ tổng thể. Còn cẳng chân, cẳng tay là những bộ phận cơ bắp nên trỏ hành động đánh đập (giới ngôn ngữ học gọi là biểu trưng hành động đánh đập). Trong truyện ngắn Một bữa no đòn, Nguyễn Công Hoan đã viết “Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay.” Ghép hai phần nghĩa này lại, sẽ được nghĩa của TN trên: Về tổng thể là những hành động đánh đập vũ phu. Khi định nghĩa TN này nhiều người chua thêm đó thường là hành động của đàn ông đối với vợ con. Đáng buồn là tôi phải bỏ chi tiết này cho “phù hợp” với nạn bạo lực học đường, nhất là kiểu đánh hội đồng có nhiều nữ sinh cũng thượng cẳng chân hạ cẳng tay như ai, ngày càng phát triển ở ta hiện nay.
Nhiều TN có nghĩa được hình thành từ những cặp từ biểu trưng và chúng ta dễ dàng giải thích nghĩa của chúng. Ví dụ:
(Những mảnh ruộng, mảnh vải… ) đầu thừa đuôi thẹo. TN này có hai cặp (đầu, đuôi) và ( thừa, thẹo). Đầu đuôi trỏ tổng thể, còn ( thừa, thẹo) trỏ những thứ không ra gì. Vậy đó là “Những mảnh ruộng, mảnh vải… nhìn chung (về tổng thể) không ra gì”
(Bọn) đầu trộm đuôi cướp. TN này có hai cặp (đầu, đuôi) và (trộm, cướp). Cặp (trộm, cướp) trỏ hạng lưu manh. Vậy “nhìn chung, đó là bọn lưu manh.”
(Họ buôn ghê lắm,) thượng vàng hạ cám. TN này có hai cặp đều trỏ hai cực: (thượng, hạ) và (vàng, cám). Trong các thứ đồ vật, của cải, vàng là thứ quí nhất xếp ở cực cao nhất, còn cám là thứ không ra gì (có câu có mà ăn cám! ) nên xếp ở cực cuối. Do vậy (vàng, cám) trỏ tổng thể các thứ đồ vật, của cải. Vậy là họ buôn đủ mọi thứ.
5. Trong nhiều ngôn ngữ khác, rất ít cách nói lấy hai cực trỏ tổng thể.
Cách nói từ đầu đến cuối cũng gặp trong tiếng Nga (s nachala do kontsa), tiếng Pháp (depuis le premier jusqu’au dernier) và phổ biến nhất là TN lấy chữ đầu và chữ cuối của bộ chữ cái La tinh hoặc Hy Lạp: (A) from A to Z; (P) depuis A jusqu’à Z; (N) ot al’fy do omeghi. Người Việt dễ dàng tiếp nhận TN “Từ A đến Z” để làm mới lạ thêm cách diễn đạt từ đầu đến cuối của mình.
Ki tô giáo lấy chữ đầu (A) và cuối (V) trong bộ chữ cái Hy Lạp và vẽ hai chữ này lồng lên nhau để tạo ra biểu trưng “tổng thể” về thế giới, về nhận thức, về thời gian, về không gian. Ta là Alpha và Oméga - đó là Chúa Ki Tô.
Trong bài viết ngắn này tôi cố gắng nói có đầu có đuôi để minh oanh cho một thành ngữ mà không ít người cho đến nay vẫn tưởng là vô lí, thiếu lô gích. Tp HCM, 21.3.2010
dữ liệu: của ông Lê Công Lý
GS Trương Chính là người rất cẩn thận với chữ nghĩa. Khi dịch truyện ngắn Con Phốc con của nhà văn Ba Kim (Trung Quốc), GS có dùng câu “Ông không thừa nhận, nên bị đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, rồi roi vọt, gậy gộc…” → "Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đồng đẳng với “đánh đập” (động từ). Trong truyện ngắn Cái bướm tung tăng của Đoàn Ngọc Khánh: “Không thỏa dục thỏa ý là uất tức gây sự, là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay liền” (ngữ động từ). Trong truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó của Nam Cao: “Nó cục như chó vậy. Ương với nó, nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là thường” (ngữ động từ). Trong cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân cũng xác định nghĩa của "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" là “đánh đập không thương xót” (ngữ động từ)..
(bài đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ, số 6 năm )

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , , email truongsonh7@yahoo.com