Tản mạn về tít báo

về trang chủ

Bốn chặng đọc một bài báo: Ảnh – tít – sapô – nội dung Khi đọc lướt bài báo, đầu tiên bạn nhìn ảnh rồi mới đọc tít xem bài có thú vị không. Kế đến đọc sapô xem bài viết về chuyện gì. Thấy hay mới đọc nội dung, còn không sẽ bỏ qua sang bài khác. Nếu bài báo không có ảnh minh họa, lại chưa đủ dài và đủ tầm cần có sa pô, thì gánh nặng lôi kéo độc giả dồn cả vào tít báo. Ấy thế là tít báo thành tấm áp phích quảng cáo bài báo. Nó cần bắt mắt để kích thích và kéo bạn đọc đi đến chặng cuối của bài. Tít hay Làm thế nào để có một tít bắt mắt? Ngoài yếu tố hình thức như co chữ, màu chữ, không gian của tít thì câu chữ là yếu tố quyết định. Những từ ngữ lạ, những kết hợp bất ngờ sẽ kích thích hứng thú độc giả. Tục ngữ, thành ngữ và những bài hát, nổi tiếng…là những lời quen thuộc. Mỗi câu gắn với một nghĩa, một tình huống xác định. Tít có câu chữ gần giống như vậy nhưng nghĩa lại khác là tạo ra một bất ngờ thú vị với người đọc. Đó là những tít hay. Trong “Nghìn lẻ một đêm” của các dân tộc Ả Rập có lời quen thuộc “Vừng ơi mở cửa ra”. Đề cập chuyện xuất khẩu sang thị trường Trung Đông có báo đặt tít “Vừng ơi” cửa đã mở để gợi tò mò tìm đọc. Thế là hay. Trong kiểu tít này, có “Những công thự ẩn mình chờ chết” ( Những con chim ẩn mình chờ chết); Nhà trọ bình dân sống chết mặc bay ( Sống chết mặc bay). Theo khuôn mẫu của Phạm Duy Tốn, tít đặt câu hỏi trách nhiệm cho những người quản lý thành phố. Ẩn dụ, óc tưởng tượng và sự liên tưởng dễ dùng những lời quen thuộc rút tít. Quay vòng vốn và lưu thông tiền tệ là dòng chảy tiền tệ. Ấy thế là có Chảy đi … kiều hối (¬ Chảy đi sông ơi!). Hội nhập với thế giới nảy nỗi lo hàng hóa thiên hạ đổ vào lấn át hàng Việt Nam, nên có tít “Lo ‘một cuộc xâm lăng’ mới”. Trước là phi công chiến đấu chống Mỹ, nay vẫn tiếp tục công việc của mình, nên có tít “Nguyễn Thành Trung- cánh chim không mỏi”. Tít vừa đúng theo nghĩa đen vừa hợp nghĩa bóng là tít hay. Thợ leo trẻ – một đời … lơ lửng! là một tít hấp dẫn vì từ lơ lửng đúng nghĩa đen, còn theo nghĩa bóng, người đọc liên tưởng tới số phận bấp bênh của thợ cắt tỉa cây xanh trong thành phố. Tít “xin lỗi” cũng phải họp! mơ hồ. Mối quan hệ giữa một chuyện nhỏ xin lỗi và chuyện không nhỏ họp hành đã kích thích trí tò mò của người đọc. Chơi chữ hợp lý sẽ tạo ra những tít hay. Chú ý tới đặc điểm người Việt thích nói vần, nói lái để tạo ra những tít hay: Cầu Dần Xây “xây” dần đến bao giờ?; Đừng để cổ vật thành … khổ vật; “Tượng đài Hà Nội: nặn bụt hay nặn …bệ?”… Không ít người “thủ đô” nói ngọng và một trận mưa lớn Hà Nội lại bị lụt. Vậy là: Hai trăm triệu đô la, Hà Nội vẫn là … HÀ LỘI. Dấu câu cũng là một công cụ tạo ra những tít hay. Yêu cầu đóng góp theo định mức núp dưới mỹ từ tự nguyện liền bị phê phán Tự nguyện đóng góp theo… định mức (?!). Chỉ với dấu hỏi và dấu than đứng trong ngoặc đơn, người viết dùng dấu hỏi thể hiện sự nghi ngờ và dấu than làm lời bình luận phê phán, không đồng tình. Tít không hay Không hay là những tít sai, dư, không phản ánh được nội dung của bài. Không hay là những tít kích thích độc giả bằng thứ ngôn từ cường điệu rẻ tiền hoặc khai thác những dục vọng thấp kém. Khi đặt tít, nên chú ý ai là độc giả của bài. Tít hay còn liên quan đến độc giả. Một tít có thể hay với nhóm độc giả này nhưng lại khó hiểu với nhóm độc giả khác, hay với thế hệ này nhưng lại không còn hay với thế hệ khác. Những liên tưởng quá xa vời sẽ tạo ra những tít báo khó hiểu. Đọc tít Gavơrốt không muốn về nhà, mấy ai hình dung nổi chú bé Gavơrốt trong Những người khốn khổ thành trẻ em lang thang trên đường phố? Cùng là chơi chữ, những kiểu chơi chữ thường gặp thì độc giả bình dân hiểu nên thích. Nhiều người thích tít “Cà phê vidéo: vô đi! Ê” vì vidéo dễ nói lái thành một từ bình dân lại là lời mời gọi ỡm ờ rất hình tượng: vô đi! Ê. Với tít bàn về những bảng hiệu bát nháo “Hà Nội biển hiệu và biểu hiện” những người có vốn từ phong phú mới thấy hay, rất hay. Có lẽ nhiều người hiểu Bên A là chùm khế ngọt? là tít viết về những vụ ký hợp đồng rút ruột nhà nước vì bài hát Quê hương cách nay chưa xa có câu quê hương là chùm khế ngọt. Với những ai đã từng hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo sẽ rất thích tít Bom Bo còn có nhịp chày khuya? Tít này chất vấn về trách nhiệm của những người lãnh đạo đối với đồng bào dân tộc một thời giã gạo nuôi quân. Nhưng với tuổi teen ít còn biết bài này thì tít đó chắc khó hiểu. Tít báo và người biên tập Thêm bớt từ, thay đổi trật tự từ ngữ, người biên tập có thể làm tít báo hay hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng nếu chủ quan hoặc thiếu những hiểu biết thấu đáo về ngôn từ, hoặc với một dụng ý nào đó, người biên tập có thể làm hỏng một tít báo, làm sai lạc ý của tác giả. Tôi từng là nạn nhân của kiểu biên tập này. Tôi gửi bài “Ngôn ngữ chat” tới báo S. với kết luận “Có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh không chỉ tồn tại trong thế giới online mà đang thâm nhập cả vào đời sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận. Xã hội cũng đã dần "thích nghi" với chúng […] chúng ta có thể xác định được những từ ngữ chat thông dụng cần được coi là những đơn vị của tiếng Việt hiện nay và tương lai để chính thức đưa vào từ điển tiếng Việt”. Nhưng tít bài này được biên tập lại thành “Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt” (đăng ngày 11.4.2011). Hơn nữa, trong sapô lại còn nói đây là là gợi ý của tôi. Thế là từ ý bộ phận “có những từ ngữ chat nghiêm chỉnh” trở thành tất cả ngôn ngữ chat đều có thể đưa vào từ điển!

Nguyễn Đức Dân GS TS, 118/12 Trần Quang Diệu, Quận 3. Tp HCM, Đt: 0919 42 02 74