Chức năng liên kết hai hành vi ngôn ngữ của từ THÌ

                                                                             Nguyễn Đức Dân

 

(đã đăng trong tp k yếu "GIÁO SƯ HOÀNG PHÊ VI TING VIT VÀ CHUN HÓA TING VIT", nxb Dân Trí, 2019 )

 

về trang chủ

1.            Những quan điểm về từ THÌ

            Hầu hết các nhà nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đều coi từ “thì” có chức năng liên từ (còn gọi là kết từ), trợ từ. Liên từ được hiểu là từ dùng để liên kết các từ, các thành phần trong một câu.

            Hoàng Tuệ (2001), Nguyễn Kim Thản (1997), Hoàng Trọng Phiến (1980), Diệp Quang Ban [1992], Trương Văn Chình & Nguyễn Hiến Lê  [1963], Trương Văn Chình [1970], …coi “thì” là một liên từ.  Lê Văn Lý (1949) cũng coi “thì” là một liên từ nhưng dùng với thuật ngữ phụ từ tập hợp. 

            Diệp Quang Ban [1992, 212] viết: “Trong câu ghép có quan hệ điều kiện/ giả thiết  - hệ quả … Vế chỉ hệ quả được mở đầu bằng kết từ thì. Sau này Diệp Quang Ban đã từ bỏ quan niệm thì, mà là kết từ. [2005, 550-551]. Khi đề cập đến các cặp từ phản ánh quan hệ điều kiện-hệ quả, mục đích, nguyên nhân – hệ quả  của  câu ghép chính phụ, như “nếu…thì, hễ… thì, để …thì, vì… mà, tại …mà…” tác giả chú thích “hai tiếng mà, thì ở đây là trợ từ.” [2005, 305]

            Ngoài chức năng liên từ, Nguyễn Kim Thản, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê  còn coi “thì” là một trợ từ. [NKT, 1997, 403], [TVC&NHL, 1963,563]. Lê Văn Lý còn cho rằng  thì kết hợp với một số  từ khác thành “những phụ từ kép”[LVL, 1972, 132].

            Quan niệm từ thì dùng để đánh dấu đề - thuyết rất đáng được chú ý.

            Không dùng thuật ngữ đề-thuyết, nhưng Trương Văn Chình viết: “từ thì phân cách phần chủ ngữ được nêu với phần còn lại của câu”: “Sức thì hai người ngang nhau”; “Gạo thì có gạo nếp, gạo tẻ” [1970, 166]. Ông cũng nhận xét “Từ thì phân cách bổ ngữ thời gian với phần còn lại của câu”: “Lúc tôi đến thì Giáp đi rồi”; “Bao giờ thì Giáp đi?” [1970, 131]

            Cao Xuân Hạo quan niệm: “Thì là một từ chuyên biệt chỉ đánh dấu đề-thuyết.” [1991, 124]. Quan niệm cực đoan này đã được mềm bớt đi trong công trình do Cao Xuân Hạo chủ biên sau đó: “Thì là một từ chủ yếu dùng để phân giới đề-thuyết” [1992, 25]. Với từ “chủ yếu”, nhóm tác giả đã tránh được những trường hợp từ thì hiển nhiên không được dùng để đánh dấu đề-thuyết mà chúng ta sẽ thảo luận trong bài này.

            Chúng tôi chứng minh rằng từ thì còn có chức năng liên kết hai hành vi ngôn ngữ (HV) trong tương tác giữa hai người đối thoại, tức là liên kết hai hành vi trao lời và đáp lời.

2.            Chức năng liên kết của từ THÌ trong những phát ngôn trao-đáp

2.1. Người nói (SP) thứ nhất đưa ra hành vi P, người nói thứ hai có thể đáp lại theo nhiều cách khác nhau trong đó có hình thức dùng hành vi Q mở đầu bằng từ thì để liên kết với hành vi P.  Do thế, vậy là hai đại từ thay thế cho một phát ngôn đi trước, nên cấu trúc khái quát biểu hiện sự liên kết này có hình thức:

         (I) SP1: - P // SP2: - Thế thì Q hoặc Vậy thì Q

            Hai từ thế, vậy có thể lược bớt đi và cặp thoại (I)  được rút gọn thành:

(II) SP1: - P // SP2: - Thì Q

            Như vậy ở cấu trúc (II), trước từ thì trong lời đáp “thì Q” có một vết t (trace) biểu hiện sự liên kết hướng ngoại của Q với phát ngôn P trước đó.

            Trong lời SP1 có thể là những hành vi P: tường thuật, nhận định, đánh giá, hỏi, chất vấn, phê phán, nghi ngờ, băn khoăn, bác bỏ, khuyến lệnh, đề nghị, yêu cầu, từ chối … Tùy theo hành vi P này mà SP2 sẽ chọn Q tương ứng đi kèm những từ hư thích hợp.

 (1) “-Lạy cụ lớn, cụ lớn là chỗ cha mẹ, cụ lớn tha tội cho con cháu./- Thế thì bây giờ vào chơi vậy. […] /-Vào ăn cơm với tôi cho vui nhé./- Lạy cụ lớn, chúng con đã vô phép cụ lớn rồi ạ. Nhà quê chúng con hay ăn cơm sớm./- Thì vào chơi nói chuyện vậy.(NCH, Hé! Hé! Hé!)

            Ở một đoạn ngắn trong truyện Hé! Hé! Hé! Nguyễn Công Hoan đã dùng hai cấu trúc đáp lời “Thế thì Q” và “Thì Q”, một tường minh và một ngầm ẩn, liên kết với một HV trao lời trước đó.  

2.2.     Một số khuôn liên kết hành vi cụ thể

ü   Tường thuật, khuyên nhủ – chất vấn bác bỏ  

 “Mày là đồ sứt môi./ Thì đã sao? Môi tôi sứt nhưng lòng dạ tôi nguyên lành, không vá víu như bố con anh” (p VTV. MLg)

SP1 đưa ra một nhận xét có hàm ý châm chọc, phê phán. SP2 trả lời bằng HV chất vấn Q “thì đã sao?” tạo ra sự bác bỏ sứt môi thì cũng chẳng sao để bác bỏ hàm ý sinh ra từ đặc điểm sứt môi mà SP1 nêu ra trước đó.

“- Đừng vào, sếp đang cáu đấy/ -Thì đã sao?”

SP1 đưa ra một lời khuyên nhưng SP2 thấy lời khuyên này không đúng nên trả lời bằng HV chất vấn Q “thì đã sao?” để bác bỏ lời khuyên đừng vào. Vậy thì theo quan điểm của SP2 vào cũng không sao, nên cứ vào.

            Cách trả lời bằng câu chất vấn “Thì đã sao?” thể hiện hàm ý của SP2 chấp nhận P một cách tuyệt đối. Nó là kết quả rút gọn của câu điều kiện “Nếu P thì đã sao?” Như chúng tôi đã chứng minh [1987, 277-310], [2016, 15-109] chất vấn yếu tố phiếm định sao trong vế sau câu này đã dẫn tới sự bác bỏ khả năng “sao” tức là “Nếu P thì cũng không sao”. Vậy là SP2 không đồng tình với quan điểm của SP1 e ngại về hậu quả xảy ra của P nên chất vấn lại “P thì đã sao?” nhằm đòi hỏi SP1 giải thích về hậu quả xấu của sự việc P và tin rằng SP1 không giải thích được. Kết quả là SP2 vẫn chấp nhận P một cách tuyệt đối để phản bác người đối thoại.

Do vậy, khi SP1 phát ngôn một câu với hàm ý phê phán, thì SP2 có thể phản bác bằng “Thì (đã) sao?”. Ví dụ:

“- Chuyện đó đúng không? / - Thì sao?” (p.Cầu vồng tình yêu, t.30, VTV3)

         Tương tự, nếu SP2 nói “thì có gì đâu”, Thì  anh có làm gì em đâu.” (NNTĐ) cũng dẫn tới bác bỏ sự tồn tại “có gì”, “có làm gì” nghĩa là cũng tạo ra hàm ý “không có gì”, không có làm gì”  nhằm vẫn chấp nhận P một cách tuyệt đối để phản bác người đối thoại.

ü    Thì Q đã” là một cấu trúc rất hay dùng trong chiến thuật đáp lời. Ở đây SP2  chưa trực tiếp trả lời vào hành vi P mà đề nghị SP1 trước hết thực hiện hành vi Q nhằm trì hoãn thực hiện hành vi P hay tạm chưa bàn tới P.

 “- Có việc gì mà bố gọi con về gấp vậy?/ - Thì chị cứ ngồi uống nước đi đã” (p.BQL,t.9)

     “- Bố ơi, ra đây con nhờ một tí./ - Có chuyện gì vậy?/ - Thì bố cứ ra đây đã. (p. , t.17)”

   “- Sao, ta lại phải nghỉ ở đây thật ư?/ -Thì cứ xuống xe đi đã.” (TNCL 2000)

+ Mẹ ơi, con thích ăn kem cơ”/ “- Thì con ăn hết bát cơm này đã.

 + “Thì u  hẵng cứ vào nhà đã nào. Thì u hẵng vào ngồi lên giường, lên giếc chĩnh chện cái đã nào” (KL,VN)

ü   SP1: đề nghị, thông báo P. // SP2: bác bỏ, từ chối hoặc miễn cưỡng chấp nhận mức Q:Thì Q vậy”, Thì vậy đi.”

“- Hai xu không bán, thì mấy xu mới bán?/- Ít nhất là năm xu. Mua ít nó không có tiền trả lại./- Thì mua cả năm xu vậy. Năm xu thì nấu được mấy ấm?” (NC, MĐC)

            Trong câu trên ông bố miễn cưỡng chấp nhận số tiền phải mua, quá cao so với gia cảnh ông quá nghèo.

- Thì mợ đi một mình vậy. (NH)

- Thì vào chơi nói chuyện vậy. (NCH)

-“Nguyên tự dưng thấy lòng mình trĩu nặng. Anh đề nghị đánh bài. Ừ thì đánh bài, để có cớ cho vơi hơi rượu đi.” (Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa, 141)

- Thì [cứ cho là như ] vậy đi. (Con voi, 175)

ü    Thì cứ Q” là một HV khẳng định Q bất chấp hành vi  P trước đó là gì. Nghĩa này do từ tình thái “cứ” mà ra.

 “- Con lạy cậu... Cậu tha cho con... Tôi vừa dứt lời, ngọn roi mây đưa vút về đằng trước./- Thì cứ ra nằm ngoài giường kia mau! Mau lên!”  (NH, NNTÂ, tr.37)

Người cha đã bác bỏ lời cầu xin tha tội của đứa con là Nguyên Hồng.

Huân nhắc lại:- Thế nào?/(Duệ) – Em không biết hát./- Thì cứ hát như hôm nọ là được, chỉ cần luyện thêm một chút nữa thôi. (NK, ML)

Huân đã bác bỏ lời từ chối “P = Em không biết hát” của Duệ.

ü   Thì đây Q là hành động kèm lời mà SP2 chìa ra chứng cứ Q chứng minh, giải đáp cho nỗi hoài nghi, ngờ vực băn khoăn về một điều gì đó của SP1.

“Đây” là một đại từ trỏ một đối tượng ở ngay nơi người nói nên “thì đây” là hành vi  đưa ra bằng chứng Q ngay tại chỗ để người nghe nhìn thấy do vậy có thể kiểm tra trực tiếp được Q. Từ đó giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc của người đối thoại.

 +Thì đây, anh cứ đọc bài này là rõ. Đúng là “cháy nhà mới ra mặt chuột.” SP2  đã chìa ra bài báo làm chứng cứ cho nhận định của mình.

+ Đồng chí cho rằng không thể giải mã được những tín hiệu vô tuyến này, nếu […] /- Thì đồng chí cứ thử xem đây! (TASS được quyền tuyên bố, t.24)

+ Thì đây, các ngài hãy cứ nhìn vào ông huyện Hinh, hẳn các ngài phải chịu ngay rằng

tôi không nói đùa. (NCH, ĐHCM)

ü   Thì đấy Q

            Đây là HV giải thích của SP2 về P –  một hành vi thường là chất vấn – của SP1.

Từ “đấy”, “đó” thay thế cho sự kiện Q không trực tiếp nhìn thấy để giải thích P.

 + “Ông tiêu cái gì mà mau hết tiền vậy?/- Thì đấy tuần trước có thằng bạn từ Sôchi lên, dẫn nó đi chơi, tiêu mất mấy chục đồng (rúp).”  (p. TKBD, t.4, VTV1, 08.02.2018)

+ “Bố hỏi: Vô-va sao buồn thế?/ Vô-va: Con bị điểm 0 toán/ Sao lại bị 0?/ - Cô hỏi con 2 cộng 2 là mấy, con trả lời là 4./ -Thế thì đúng rồi còn gì nữa?/ - Cô giáo lại hỏi 2 nhân 2 là mấy/ -Thế thì khác gì?/ -Thì đấy, con cũng trả lời như thế.” [Đứa con trai cũng nói như bố mà bị 0 nên mới buồn.]

 + Thì đấy, cũng là chuyện ghen ăn thôi! (pVTV.BQL, t.10)

+ “- Mới ra tù à?//- Thì đó, nhưng anh ấy là người  tốt.” (pVTV.NKHM, t.32)

ü   Thì Q thôi. Hành vi SP2 dùng Q để giải thích.

“– Anh giải thích đi, tại sao anh lại đi cùng cô ta?/ - Thì anh đã nói rồi, chỉ là về cùng đường thôi!/ -Anh có thể đi đường  khác cơ mà!/ - Em đã nói thế thì anh còn biết nói gì nữa!”

         Trong câu trên cụm từ chỉ…thôi có nghĩa sự tình Q “về cùng đường” chỉ là rất ngẫu nhiên (rất nhỏ) và đã kết thúc.

ü   Khuyến lệnh – chấp nhận “-P //-thì thôi, Q”

 “- Thầy đừng... đi... lên rừng!/- Người cha thấy lòng thổn thức và đáp liều: - Ừ, thì thôi... Mẹ mày!” (NC, MĐC)

ü   Chất vấn- thanh minh

+ (Sực nhớ tới bạn, anh hỏi trưởng phòng Dĩnh) – Sao thủ trưởng không trình bày với sếp là thằng Đường nó đã xin nghỉ phép sáng nay để đưa vợ đi đẻ? Rõ khổ cho nó.

Dĩnh: –Thì ổng có cho tao kịp nói thêm câu nào đâu” (TTTN, CTĐV)

Lời Dĩnh giải thích để thanh minh.

 +”Thì liều vậy!” Hành vi khẳng định    

ü   P. Thôi thì Q

Q là một tập hợp nhiều yếu tố để minh họa, giải thích cho P.

+  Bà ta đem cháu về nuôi rồi mới gặp ông ấy, một lão nghiện rượu, khổ thân bà ta! Ông ta thôi thì đánh đập bà… Cháu rợn cả người. (Gorki, Người mẹ, 49)

+ Súng của ta nổ liền, thôi thì đủ các cỡ. (ĐPDC, t.31)

+ Chúng nó nhao nhao hỏi bà cụ thôi thì đủ thứ chuyện. (HpĐ, MQ, 38)

+ […] rắc bom bi […]. Thôi thì Đường Tam Tạng đi lấy kinh, Hạng Võ biệt Ngu cơ Cho đến anh Nam tước Phôn gôn rinh đều bay thốc lên, treo trên cột giây điện như là bươm bướm cả ấy. (HG, KNCM, 153)

 + .. . Thôi thì ông nào cũng đủ lí do. (NCGĐ, 8)

 + Thôi thì họ kêu rêu chửi bới đủ điều… (CLV, GCST, 125)

 +  Cá nằm trên thớt, thôi thì phó thân mặc cho dao rựa nó dần… (NKT, 19)

+ Thôi thì hay hơn, có phần chắc là hẵng để cho tình cảm lắng lại cho tâm hồn mãi mãi được thơm lây. (ĐTM, TĐHTNC, 352)

ü   SP1: P (đề nghị) – SP2: Q (từ chối) –  SP1: x cũng Q (thuyết phục)

+ “SP1- Chị làm văn thư cho thủ trưởng nhé?/SP2- Tính tôi hay nghịch lắm, nhận làm công tác phục vụ thủ trưởng sợ không chu đáo./ SP1- Thì tôi cũng nghịch.” (TNCL 2006, MHC)

            Lý do Q (hay nghịch) SP2 đưa ra để từ chối không thuyết phục nên SP1 giải thích mình cũng Q mà vẫn P (làm văn thư cho thủ trưởng)  để động viên, khuyến khích SP2 chấp nhận.

     2.2.3. Cấu trúc “Nếu P thì Q” xuất hiện ở lượt lời thứ hai trong cặp trao-đáp. [xem, NĐD, 2016, t.206 – 212]

3.            Chức năng liên kết hai hành vi của từ THÌ trong phát ngôn của SP2

3.1. Tiền giả định trong lời SP2

            Trong quá trình trao-đáp, từ HV trao lời của SP1 dẫn đến HV đáp lời của SP2. Do vậy, đây là quan hệ nhân quả.

            Khuôn mẫu tổng quát của cặp thoại sẽ là:

  (III) SP1:  P  [ hoặc P’ là hệ quả của P]// SP2: Nếu P thì Q

            Trong thực tế, tuỳ thuộc kiểu hành vi P và hệ quả P’ của nó, người đáp có thể lược bỏ từ “nếu” và những từ có nội dung cụ thể khác.

 Lượt lời thứ nhất (của SP1) làm nên ngữ cảnh cho lượt lời thứ hai SP2. Khi đáp lời, người thứ hai (SP2) có thể không cần phải nhắc lại lời của SP1 và mặc nhiên coi điều này được SP1 hiểu nên  trở thành tiền giả định (TGĐ) trong lời đáp của SP2 về hành vi trao lời của SP1. Lúc đó từ THÌ chức năng liên kết hai hành vi của trong phát ngôn của SP2, liên kết giữa TGĐ và hiển ngôn.

 

3.2.     Một số kiểu liên kết hành vi cụ thể

         Trong [NĐD, 1984], [NĐD, 1987,193-199], chúng tôi đã chỉ ra một số quán ngữ chứa đựng những HVNN cụ thể.

ü   P thì cũng Q” là hành vi bác bỏ 

            Câu này có TGĐ (1) “Trước đó trong phát ngôn của SP1 có nhắc tới P với hàm ý (hoặc suy luận trực tiếp) nếu P thì không Q”. Như vậy, “P thì cũng Q” là một  hành vi bác bỏ một HV trước đó. Ví dụ:

          Chán thì cũng phải ăn hết”. Câu này có TGĐ “Trước đó có một phát ngôn nói rằng chán thì không ăn hết được”. SP2 bác bỏ điều này nên đã nói một câu khẳng định phải ăn hết.

          Hiểu ra thì cũng muộn rồi”. Câu này có TGĐ “Trước đó có một phát ngôn nói rằng bây giờ mới hiểu để  làm một điều gì đó”. SP2 bác bỏ điều này nên đã nói một câu có hàm ý dẫu bây giờ hiểu ra nhưng đã trễ, nghĩa là không còn cơ hội làm điều đó nữa.

ü   P thì  có!” là hành vi bác bỏ 

            Câu này có TGĐ (2) “Trước đó trong phát ngôn của SP1 khẳng định Q, một điều trái ngược với P.” Như vậy, “P thì có” là một  hành vi bác bỏ một HV trước đó. Ví dụ:

+ Chồng: - Thiếu mất một con rồi!/ Vợ: - (Thôi, xuống đi) Thừa một con thì có. (Trích (Anh ngốc đếm bò, trong Tiếng cười dân gian VN)

ü   y thì không” là hành vi chấp nhận và đối chiếu

            Câu này có TGĐ  (3) “Trước đó trong phát ngôn của SP1 khẳng định một thuộc tính nào đó của đối tượng x”. SP2 đáp lại thể hiện hành vi chấp nhận nhưng đối chiếu tạo hàm ý làm cân bằng giữa hai đối tượng xy. Chẳng hạn, y  nhận định “Nó P lắm!”, x  đáp: “Còn y thì không!”

ü   Còn y thì  Q” là hành vi nói đay.

            Câu này có TGĐ  (4) “Trước đó SP1 khẳng định một thuộc tính xấu P của x”. SP2 đay lại bằng hành vi khen mỉa “Còn y thì Q, Q đối lập với P, và tạo ra hàm ý mình cũng P lại còn đi chê người khác. Ví dụ:

+ Bà kia xấu quá!/ Vâng, còn các bà thì đẹp.

+ Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày [thì] thơm.

ü   P thì P” là hành vi chấp nhận của SP2 trước hành vi P của SP1. Một cách khái quát “P(x) thì P”, ở đó x là một từ phiếm định sao,  mấy,  gì, đâu, nào… là hành vi bất chấp P, chấp nhận P ở mức cao hơn của SP2.

            Câu này có TGĐ “Người đối thoại SP1 đã đề nghị SP2 thực hiện P”. Nói cách khác cụm P thứ nhất là lời của SP1 còn cụm P thứ hai là hành vi chấp nhận một cách miễn cưỡng của SP2. Chính vì SP2 chấp nhận miễn cưỡng mà cấu trúc này thường được nối tiếp bằng cụm từ “nhưng/mà…Q biểu hiện ý nghĩa trái ngược với hệ quả rút ra từ P. Ví dụ:

“Rằng hay thì thật là hay. [Nhưng] Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.” (Truyện Kiều); Già mấy thì già, thế mà cũng có người yêu say đắm đấy. (NK);  Ra sao thì ra – tôi sẽ đi!/ Trời mưa thì mặc trời mưa, Tôi nay đi bừa đã có áo tơi. (cd)

ü   Nào thì P”. Đây là hành vi SP2 chấp nhận lời  đề nghị P được TGĐ trong câu trên.

         Ví dụ: “- Chúng ta đi nào!  - Nào thì đi.”

ü     SP: thì ra Q

            thì ra có nét nghĩa phát hiện [ NĐD, 2005], [NĐD, 2016] nên câu trên bộc lộ rằng Q là một phát hiện  của người nói.

Ví dụ:  “Phải đến khi truyện Lão Hạc khép lại, ta mới thấy ớn lạnh: thì ra toàn bộ câu chuyện là một cuộc chuẩn bị để chết của một con người!” (CVS: NTVXCTNLH)

+ “Thì ra  đến lúc cùng, lão cũng có thể làm liều như ai hết.” (NC, LH)

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1.            Diệp Quang Ban, 1992, Ngữ pháp tiếng Việt, tập HAI, nxb Giáo Dục

2.            Diệp Quang Ban,  2005, Ngữ pháp tiếng Việt, nxb Giáo Dục

3.            Trương Văn Chình, 1970, Structure de la langue vietnamienne, Paris

4.            Trương Văn Chình & Nguyễn Hiến Lê, 1963, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, nxb Đại học  Huế

5.            Nguyễn Đức Dân, 1984, Ngữ nghĩa các từ hư: Định hướng nghĩa của từ,  Ngôn ngữ, số 2, 1984

6.            Nguyễn Đức Dân, 1987, gích, ngữ nghĩa và cú pháp, nxb ĐH &THCN

7.             Nguyễn Đức Dân, 1996, gích và tiếng Việt, nxb Giáo dục

8.             Nguyễn Đức Dân, 2005, Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và  ẩn dụ, Ngôn ngữ, số  9. 2005

9.             Nguyễn Đức Dân, 2016, Lô gích-ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt,  nxb Trẻ, Tp HCM

10.       Cao Xuân Hạo, 1991, Tiếng Việt: sơ thảo ngữ pháp chức năng, nxb KHXH

11.        Cao Xuân Hạo (chủ biên), Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Văn Bằng, Bùi Tất Tươm, 1992, Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, quyển 1, Câu trong tiếng Việt, nxb Giáo dục

12.       Lê Văn Lý, 1949, Le parler vietnamien, Hương Anh, Paris

13.       Lê Văn Lý, 1972, Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam, Bộ QGGD, Sài Gòn

14.        Hoàng Trọng Phiến, 1980,  Ngữ pháp tiếng Việt:  Câu, nxb ĐH&THCN, Hà Nội

15.        Nguyễn Anh Quế, 1988,  Hư từ trong tiếng Việt hiện đại,  nxb KHXH, Hà Nội

16.       Nguyễn Kim Thản, 1997, Nghiên cứu  ngữ pháp tiếng Việt, nxb Giáo Dục (In lại từ: Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập I, 1963 &  tập II, 1964, nxb Khoa Học , Hà Nội.)

17.        Hoàng Tuệ, 2001, Tuyển tập ngôn ngữ học, nxb ĐHQG Tp HCM, Tp HCM

 

 

 

 

Dẫn liệu viết tắt

BQL: Bão qua làng; CTĐV: Chiếc Toyota đuôi vuông; CVS: Chu Văn Sơn;

ĐHCM: Đồng hào có ma; ĐTM: Đặng Thai Mai; HĐ: Hương đất; HpĐ: Hợp Đức; HG: Hoài Giao; KL: Kim Lân; KNCM: Kỷ niệm chống Mỹ; LH: Lão Hạc;  MĐC: Một đám cưới; MHC: Mùa hạ cháy, ML: Mùa lạc; MLg: Ma làng; MQ: Món quà; NC: Nam Cao; NCGĐ: Người con gái đảm; NCH: Nguyễn Công Hoan; NH: Nguyên Hồng; NK: Nguyễn Khải; NKHM: Những kẻ hai mặt; NNTÂ:Những ngày thơ ấu; NNTĐ: Những người thích đùa; NTVXCTNLH: Nghệ thuật văn xuôi của truyện ngắn Lão Hạc; p. = phim;

TĐHTNC: Trên đường học tập nghiên cứu;TKBD: Tình khúc bạch dương;TNCL2000: Truyện ngắn chọn lọc 2000; TNCL 2006: Truyện ngắn chọn lọc 2006; TTTN: Tuyển tập truyện ngắn, nxb Thanh Hóa; VN: Vợ nhặt; VTV: Đài truyền hình trung ương