Nguyên nhân viết sai: nhìn từ xã hội

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Những người quản lý, điều hành đất nước không có chính sách cụ thể bảo vệ tiếng Việt chuẩn mực là nguyên nhân cơ bản tạo ra tình trạng tiếng Việt tùy tiện, lộn xộn hiện nay. Vì sao tình trạng dùng tiếng Việt lộn xộn, tùy tiện, bừa bãi hiện nay không hề thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng đáng sợ? Do nhà trường, do sách giáo khoa? Do Nhà nước? Do xã hội? Hay do chính chúng ta? Có người viết rằng chúng ta đã hoàn toàn thất bại trong giảng dạy tiếng Việt do ‘sách ngữ pháp hoàn toàn thoát ly tiếng Việt’, do chúng ta dạy thứ tiếng Việt ‘không hề căn cứ vào một cái gì mà một người Việt có văn hóa phải biết cả’. Thậm chí ‘nhiều giáo sư văn học phải thốt lên: mong sao sau 12 năm học phổ thông con tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt như trước khi đi học’… Nói và viết là hai chuyện khác nhau Chúng ta thấy: - Trẻ em được sinh ra và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ nào là tự chúng nói thành thạo ngôn ngữ đó. Nhưng viết lại là chuyện khác. Không học thì không biết viết. Những giấy tờ, thư từ do những người mới ‘thông mặt chữ’ viết ra thường còn xa mới đạt chuẩn chữ nghĩa. - Người biết ít nhất một ngoại ngữ, thường viết chuẩn hơn những người không biết ngoại ngữ. Ngôn ngữ là một công cụ diễn đạt, phản ánh tư duy. Con người tư duy qua ngôn ngữ. Học được một ngoại ngữ là biết thêm được cấu trúc của một ngôn ngữ, biết thêm một công cụ thể hiện tư duy. Học sinh giỏi khoa học tự nhiên thường viết chuẩn mực hơn (không kể một số rất ít những học sinh yếu về khoa học tự nhiên nhưng có năng khiếu văn học). Như vậy, những người tư duy tốt thường viết chính xác. - Thời trước học sinh viết đúng hơn. Thế hệ trước, nói chung viết tốt hơn. Mà thời trước nào có nhiều sách tham khảo về tiếng Việt như hiện nay. Trong công trình Từ điển về từ điển (1999), PGS Vũ Quang Hào cho chúng ta biết tới lúc ấy ở Việt Nam đã có 18 từ điển chính tả, 7 từ điển ngữ pháp, 23 từ điển thành ngữ, 10 từ điển tục ngữ, 8 từ điển đồng nghĩa, 6 từ điển trái nghĩa, 7 từ điển giáo khoa, 10 từ điển học sinh, 220 từ điển thuật ngữ, 48 từ điển tiếng Việt. Vậy không thể nói chúng ta thiếu sách vở tiếng Việt. Ai quan tâm tới cách dùng chuẩn mực tiếng Việt đều có thể dễ dàng tìm ra những quyển sách cần thiết. Vậy thì, vì sao hiện nay xã hội viết sai hơn thời trước và sai quá nhiều? Câu trả lời có thể khác nhau, nhưng chắc chắn sách giáo khoa dở không phải là nguyên nhân duy nhất, thậm chí không phải là nguyên nhân chính. Viết sai nhìn từ phía Nhà nước và công luận Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người nhiều tâm huyết với việc giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Ông có những bài nói rất hay, gây được tiếng vang, tạo được sự đồng tình và quan tâm của giáo giới và giới cầm bút. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ. Kinh nghiệm nước ngoài Không điếc nên sợ súng. Người nước ngoài, nhất là Pháp, Anh, Mỹ …rất sợ viết, nói những câu sai. Thời nay, vì có băng ghi âm nên không còn chuyện “khẩu thiệt vô bằng”. Họ lo một lời thất thố, một câu viết sai là có thể bị đem ra nhạo báng dù cả chục năm sau. Sau này nếu được làm chức to hoặc muốn ra tranh cử một ghế dân biểu… lỡ có một tay nhà báo nhiễu sự hoặc không nhiễu sự nào đó đem những hành vi thiếu văn hoá hoặc lời nói không chuẩn mực và thiếu trí tuệ trước đây của mình trương lên mặt báo thì cũng phiền. Sẽ mất vài điểm tín nhiệm trong các cuộc thăm dò dư luận. Công khai hoá dư luận kể cũng tốt. Sợ viết sai nên người Pháp thường xuyên dùng từ điển khi viết lách. Quan chức càng cao càng thận trọng trong ngôn từ. Thôi thì viết có sách, có từ điển. Có một giai thoại về phó tổng thống Mỹ Spiro Agnew dưới thời R. Nixon liên quan đến năng lực tiếng mẹ đẻ của ông này. Trong quyển Bình đẳng, Tự do và Cười phá lên (tiếng Pháp), M. và A. Guillois kể giai thoại: Có một phóng viên hỏi Spiro Agnew “Tại sao ngài lại ác cảm với cánh nhà báo như vậy? Phải chăng họ hay xuyên tạc lời của ngài?” Spiro Agnew đáp: “Trái lại thì có. Họ cứ đưa nguyên xi những lời của tôi lên mặt báo mà không chịu biên tập lại gì cả.” Vậy đấy, đưa nguyên xi những lời của một quan chức lên mặt báo là một cách để xã hội nhận ra chân tướng của người này. Thường dân cũng cần giữ gìn ngôn từ. Một vận động viên thể thao thường bị coi là “võ biền” nhưng trước công chúng thì không được phép có những cử chỉ và lời nói thiếu văn hóa. Trong trận bán kết giải Wimbledon ngày 03.7.2009, đang trong lúc thi đấu Andy Murray bị trọng tài nhắc nhở vì có những lời nói ‘không thích hợp.’ (VTC 3) Bên cạnh việc dùng dư luận xã hội người ta còn dùng hình thức chế tài với những người nói sai. Chuyện viết đúng sai còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Viết sai thì thì bị loại. “Nhiều thanh niên Nhật thất nghiệp vì viết sai chính tả” (TT,19.02.02). Trong chương trình “chiếc nón kì diệu”, ngày 12.6.04, có một ô 7 chữ. Một thí sinh sau khi đoán được 6 chữ “TIEU AO”, đã đoán đúng đó là chữ “tiểu xảo”, nhưng lại nói là “Tôi đoán chữ S”. Là tiểu xảo chứ không phải là tiểu sảo! Thế là vuột mất cơ hội thắng lợi. Theo một bộ luật mới đang được Bộ thông tin truyền thông Nga soạn thảo: “Các quan chức và chính trị gia Nga sẽ bị phạt nếu phát âm sai các từ hoặc sử dụng ngôn từ thô lỗ trong các bài trả lời phỏng vấn” Có điều, luật này khó thực hiện vì “chưa có từ điển nào được dùng làm chuẩn phát âm và khái niệm thế nào là “thô lỗ” cũng chưa được luật pháp qui định” (TT, 02.7.2009) Kinh nghiệm Việt Nam thời xưa Người Việt cũng từng dùng dư luận xã hội để trừng trị kẻ viết sai. Từ xưa xã hội Việt Nam đã không đồng tình với lối dùng tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi. Những người viết sai thường bị chê cười, phê phán. Trong Phụ san Văn Nghệ, số 5.1993, Nguyễn Đức Bính kể lại chuyện sau: Hồi đó báo chí bị kiểm soát rất gắt gao, khó lòng nói được những gì muốn nói. Nhân có một “cụ nghè” viết một bài công kích cộng sản. Ngô Tất Tố xem bài ấy, lấy làm giận lắm, bèn tìm cách sửa người ấy một mẻ. Sau khi tìm được một vài câu văn bất thông trong bài đó, Ngô tiên sinh liền viết một bài chỉ ra những chỗ văn dốt trong bài này rồi buộc tội “cụ nghè” âm mưu phá hoại quốc văn và bôi nhọ đạo Khổng. Ông ví “cụ nghè” như thầy đề trong truyện tiếu lâm sau: Viên tri huyện cử thầy đề đi tịch ký nhà một người bị án. Thầy đề, theo luật lệ, lập biên bản ghi tất cả những tài sản của nhà này. Còn lại một cái váy nâu đàn bà, thầy đề nghĩ mãi không biết ghi bằng chữ gì. Cuối cùng thầy nảy ra một ý: cái váy nâu ở địa phương này người ta gọi là cái xống nâu. Thầy đoán rằng tại người ta đọc chệch chứ thật sự phải là cái sống lâu. Thầy đề bèn hạ bút đặt tên cho chiếc váy nâu là thọ nhất bức. Ngô tất Tố kết luận rằng học lực của cụ nghè cũng xấp xỉ học lực của thầy đề. Bài công kích cộng sản của “cụ nghè” làm sao có giá trị được nữa. Ngòi bút của Ngô Tất Tố đã không tha thứ cụ nghè-công kích-cộng sản bị bắt quả tang xả rác ngôn từ ra xã hội. Thời nay Từng có người định dùng chế tài để hạn chế nạn dùng sai tiếng Việt. Theo tin từ Tuổi Trẻ, 28.12.2004, giám đốc Điện lực Đà Nẵng Lê Thanh Minh đã mạnh dạn ra quyết định phạt tiền thưởng những ai viết sai tiếng Việt. Không rõ quyết định này có được thực thi không. Nếu ở đâu cũng có vài ba giám đốc như vậy, hoặc lý tưởng hơn nữa nếu người đứng đầu tỉnh với nhận thức xả ngôn từ bậy bạ, làm hỏng tiếng Việt cũng là một hành vi chống lại cộng đồng, dám ra quyết định xử phạt những ai “xả rác” ngôn từ ra xã hội thì nạn viết sai tiếng Việt chắc chắn sẽ giảm đi nhiều. Không đưa tiêu chí ‘có khả năng dùng chuẩn mực tiếng Việt’ vào việc thi tuyển công chức, đề bạt cán bộ nên viết sai không chút trọng lượng gì trên con đường quan chức. Kết quả là lời kêu gọi giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ dừng lại ở lời kêu gọi. Trong thực tế hành động, các cơ quan công quyền không chú trọng tới tiếng Việt. Nhà nước cần có những chính sách thích đáng, cụ thể để hạn chế những người dùng không chuẩn mực tiếng Việt trong cơ quan công quyền. Hãy đưa việc viết đúng tiếng Việt thành tiêu chí tối thiểu trong việc xét tuyển công chức và đề bạt cán bộ. Nếu viết sai tới một mức nào đó thì không tuyển làm công chức nhà nước, không đề bạt lên chức vụ cao hơn

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com