NGÔN NGỮ, LÔGÍCH VÀ NHỮNG “NỤ CƯỜI”

NGUYỄN ĐỨC DÂN Tiến sĩ ngôn ngữ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Thành phố Hồ Chí Minh 25-01-1977

về trang chủ
Nói tới văn học trào phúng là nói tới tiếng cười. Người ta thường nhắc tới những giai thoại văn học, những truyện cười, những câu đố gây cười, những hài kịch hay thơ trào phúng… nhưng dường như người ta bỏ quên một loại hình trào phúng: Bằng dăm ba dòng hóm hỉnh, các mục “nụ cười”, “vui vui”, “vui cười”… có thể làm độc giả bật ra những tiếng cười thoải mái, sảng khoái, nghịch ngợm, đậm màu sắc phê phán, châm biếm nhẹ nhàng những thói hư, tật xấu, cái rởm …còn rớt lại trong xã hội. Tôi muốn nói tới nghệ thuật gây cười này. Khác với tranh châm biếm có hình vẽ là phương tiện chủ yếu để gây cười, công cụ duy nhất của những “nụ cười” là ngôn từ trong dăm ba câu thật ngắn gọn:
Con: Bố vừa đi họp về phải không ạ?
Bố: Sao con biết?
Con: Cứ trông cằm bố là biết ngay!

Thật bất ngờ! Người con đã nêu sự việc và ngầm chê trách: Có nghiều người chẳng chú ý trong cuộc họp, họ đan, thêu, đọc truyện hoặc vênh cằm lên nhổ râu! Cái cười sảng khoái càng vang khi có những bất ngờ dí dỏm, đầy tính hài hước, châm biếm. Chúng ta hãy nghe câu chuyện giữa bác sĩ và vợ một người ốm:
Vâng, theo tôi thì anh cần nghỉ ngơi hoàn toàn
Nhưng, thưa bác sĩ, nên cho nhà tôi lên núi hay ra biển nghỉ ạ?
Còn tùy!
???
Nếu chỉ ra biển thì để anh lên núi, hoặc ngược lại!

Khi nghe tiếng “còn tùy” người ta chờ đợi một lời khuyên thông thường (và nghiêm túc) của người thầy thuốc, nhưng thật bất ngờ, nghe xong những tiếng cuối cùng bạn mới thấy hết cái ý kín đáo và hóm hỉnh “nghỉ ngơi hoàn toàn” và bật lên tiếng cười nghịch ngợm, khoái trá! Có ba giai đoạn trong một “nụ cười”: chuẩn bị, dẫn dắt và kết thúc (gây cười). Trong giai đoạn chuẩn bị độc giả được đưa vào tình huống A (“… anh ấy cần nghỉ ngơi hòan toàn”). Ở giai đoạn dẫn dắt, phải làm cho độc giả thấy sự việc được phát triển một cách bình thường, và họ đoán trước hoặc chờ đợi rằng nếu đã có sự kiện A thì chắc chắn sẽ xảy ra sự kiện B (Hỏi xong “nên cho chồng lên núi hay ra biển?” ai mà chẳng chờ đợi một trong hai khả năng ở lời đáp: lên núi! xuống biển! Cái tiếng “còn tùy” đã gây sự chờ đợi căng thẳng nơi người hỏi). Giai đoại kết thúc (gây cười): Sự việc xảy ra là C. Nếu C càng không ngờ tới bao nhiêu, càng ngoài sự chờ đợi của độc giả bao nhiêu, thì càng dễ làm cho họ phát hiện ra sự khác biệt một cách tức cười bấy nhiêu và bật thành tiếng cười ý nhị, thoải mái bấy nhiêu. Để tạo sự đột ngột, giai đoạn này thường rất ngắn, chỉ là một câu và tập trung vào một hai từ nào đó mà thôi. Dẫn dắt tới những bất ngờ tức cười có hai cách: dùng ngôn từ hoặc dùng lô gích. Một từ có thể mang nhiều nghĩa và nhiều từ khác nghĩa có thể cùng chung vỏ âm thanh. Lợi dụng điều đó để gây ra sự hiểu lầm. Đó là cách thông thường nhất:
Theo lời khuyên của nhiều người, mình đã dùng rất nhiều thuốc mà bệnh vẫn không đỡ, lại càng nặng ra.
Thuốc gì?
Thuốc Vàm Cỏ!

Sự đồng âm của hai danh từ thuốc làm cơ sở cho nụ cười trên. Chúng ta lại nghe:
Anh thường nói với vợ thế nào mỗi khi đi chơi khuya về?
Mình chỉ nói “chào em”, còn sau đó là phần của cô ta “nói”!

Cái hài trong nụ cười này lại ở chỗ khác. Anh bạn đã có vợ lại còn hay lang bang đã dùng từ “nói” với nghĩa “rầy la, cáu gắt, ghen bóng gió” của người vợ. Đấy là cái cười khi lẫn nghĩa bóng với nghĩa đen, lẫn lộn hình ảnh tế nhị, trang trọng với những điều tầm thường, dung tục.
Anh tưởng tượng, đến ngày chúng ta chung sống, anh sẽ không rời em ra lấy nửa phút…
Em thì trái lại…
???
Thế em đi tắm anh cũng không rời em ư?

Tiến thêm một bước nữa, người ta dùng hiện tượng mơ hồ, nhập nhằng trong lời nói để gây cười. “Thấy nhiều người xúm quanh bảng dán báo, tác giả một bài báo hỏi người bạn:
Cậu thấy bài mình thế nào?
Chỉ có bài của cậu là mình còn xem được…
Cậu quá khen…
… vì những bài khác người ta xúm xem đông quá, không tài nào xem nổi!”

Khi anh bạn dùng cụm “xem được” với nghĩa là “còn chỗ để mà nhìn, mà đọc” thì tác giả vội hiểu theo cái nghĩa có lợi cho mình: bài viết cũng “kha khá”. Hai nghĩa đối lập nhau thì càng dễ gây cười.
“Thưa bác sĩ liệu vợ tôi phải nằm viện bao lâu nữa mới bình phục ạ? Tôi lo quá…
Ông đừng quá lo mà ảnh hưởng tới sức khỏe, vết mổ của bà nhà tốt lắm. Chỉ độ một tháng nữa là ra viện được!
Thế là trong một tháng nữa tôi phải tự nấu ăn và giặt giũ kia ạ!”

Bác sĩ đã bị hẫng vì bất ngờ. Ai chả ngỡ rằng anh chồng “quá lo” cho sức khỏe vợ. Nhưng thật hài hước và mỉa mai, anh ta quá lo vì không có người phục vụ! Cách suy nghĩ của người lớn khác hẳn cách suy nghĩ của trẻ em. Với những câu hỏi hết sức nghiêm túc của người lớn thì trẻ em lại có những câu trả lời mà ta không lường trước được. Đó là cơ sở để tạo hàng loạt “nụ cười” trong nhà trường: Ở giờ hóa, cô giáo hỏi: “Muốn khử hết hai lít rượu thì phải dùng chất gì?” học sinh đáp: “Cần hai kí lô gam thịt!”. Ai ngờ trẻ em hiểu khử thành nhậu! Hỏi “chim gì quý nhất?” thì các em đáp “chim… quay” (!) Và: Cô giáo: Em nào biết toán hình học xuất phát từ đâu? Cả lớp im lặng, bỗng Hà phát biểu:
Thưa cô toán hình học do phòng giáo dục gửi về ạ!
Làm sao tránh được bật cười nếu bạn tưởng tượng đó là một giờ dạy mẫu, có bao nhiêu thầy cô giáo ngồi dự. Khi con trẻ hiểu nhầm câu hỏi, chúng ta mỉm cười về sự ngây thơ của các em, nhưng nếu người lớn mà hiểu nhầm ở cả những điều sơ đẳng nhất thì họ trở thành ngốc nghếch. Dễ dàng hình thành những nụ cười châm biếm trong xã hội tư bản theo kiểu này. Cặp từ “có…không ” dùng để tạo câu hỏi thật sự. Khi anh muốn làm nghề lái xe, người ta hỏi “anh có bằng lái xe không?” Khi chị muốn làm văn thư, kế toán người ta hỏi “chị có biết đánh máy không?” … Đó là cách ngầm nêu lên điều kiện của người lái xe, người kế toán. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cặp từ “có…không” để tạo câu hỏi có hàm ý phủ định; lầm lẫn hai trường hợp này sẽ gây ra sự hài hước:
“ Sĩ quan tuyển quân hỏi:
Giôn, anh muốn vào binh chủng gì?
Tôi muốn vào pháo binh.
Được, còn Giăng?
Tôi muốn làm tham mưu trưởng khối Bắc Đại Tây Dương.
Sao, anh có điên không đấy?
Thưa ông, lại cần phải có tiêu chuẩn ấy nữa à?”

Thật là châm biếm! Khi Nguyễn Khuyến viết:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?

Thì mọi người đều hiểu rằng cụ Yên Đổ chửi bọn quan lại đương thời hay ăn của đút lót. Bắt chước cụ Tam Nguyên hay chữ, người ta cũng xây dựng những nụ cười mà “ý tại ngôn ngoại”: Ông có thể tin là anh ta biết giữ bí mật không?
Chắc hẳn đi rồi! anh ta được tăng lương đã 4 năm nay mà vợ vẫn chẳng biết gì cả!
Nhà ngữ học nói rằng từ cũng có một tiền giả định (présupposition) là ngoài sự việc được nhắc tới trong câu nói, còn có một sự kiện khác cũng như thế. Một nhà văn trẻ phàn nàn với bạn: Tiếc quá, thằng cháu lên ba vừa mới vứt vào bếp 50 trang sáng tác của tôi. Nó cũng thấy là cần làm như vậy à? Thật hóm hỉnh khi dùng từ “cũng” để ngầm chê tài năng của nhà văn nọ. Lầm lẫn những khái niệm khoa học cũng là đề tài để gây ra những tiếng cười hóm hỉnh. Người ta cười khi ông anh giải thích cho cô em rằng “đàn bầu là loại đàn dài trông giống như… quả bầu; đàn tranh là loại đàn mà tiếng của nó chua như…chanh”, người ta càng cười khi ông anh bí và giải thích liều về đàn tỳ bà “Em dốt quá! Đàn tỳ bà là loại đàn của phụ nữ, khi đánh phải… tì lên gối!”. Người ta có cái cười thông cảm với bà mẹ nội trợ khi phàn nàn rằng con mình phải đi tận đẩu tận đâu để học về cao phân tử, sao không học cái loại cao tốt nhất là cao hổ cốt…” thế nhưng tiếng cười sẽ mang sắc thái châm biếm cao độ với những ai có chức tước và được coi là “có hiểu biết”: Chị bán cho tôi cuốn hội thoại Việt – La tinh. Rất tiếc, cửa hàng chúng tôi không có. Lôi thôi quá nhỉ! Tuần sau tôi phải đưa một đoàn chuyên viên sang công tác ở châu Mỹ - La tinh rồi! Có nhà thơ đã nói “đặc điểm của thơ trữ tình là tình cảm còn đặc điểm của thơ trào phúng là trí tuệ”. Chúng ta nói thêm “đặc điểm của văn học trào phúng là trí tuệ”. Người ta nhận thức sự vật và mối liên hệ giữa chúng qua tư duy. Nếu tư duy đúng đắn thì nhận thức phù hợp với hiện thực còn nếu tư duy lộn xộn, vô lý thì sẽ lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất, những sự việc trong một quan hệ nhân quả sẽ đảo ngược, gây ra mâu thuẫn, đối lập đáng cười: Một ông anh khoe với em: “ Hôm nay mừng quá, báo chí nêu tên anh đấy! Anh có thành tích gì mà ghê thế? À… khi bàn về quy tắc viết hoa, họ lấy mấy tên làm ví dụ, trong đó có tên anh”. Hoặc một đứa con phô với mẹ: “- Trong giờ học hôm nay cô giáo hỏi lớp hai lần, cả hai lần chỉ có con giơ tay. Ô, con của mẹ khá quá! Thế cô giáo hỏi gì? Lần đầu cô giáo hỏi ai đã vẽ bậy lên bảng và lần sau cô hỏi ai chưa thuộc bài! !!!” Cả hai nụ cười trên đây đều xây dựng theo cùng một cách: lấy hiện tượng làm bản chất, lấy kết quả làm nguyên nhân. Nếu có sự kiện B thì có sự kiện C. Nếu như B là một điều đáng mừng, đáng tự hào thì lối tư duy của những nụ cười kiểu này sẽ là: “Có hiện tượng C vậy thì có B, và do đó rất đáng phấn khởi”. Một đô vật vô địch thì dễ “đè đầu vít cổ người khác”, thế nhưng lấy hiện tượng này làm bản chất “ông thợ cắt tóc là người khỏe nhất” thì sẽ gây cười. Một vận động viên điền kinh xuất sắc thì chạy nhanh, thế nhưng “ Ấy, đồng hồ mình trông cũ mà nhanh đáo để, chả đồng hồ nào theo kịp” đã làm cho người nghe phì cười về cách tư duy ngớ ngẩn đó. Một cô gái có ý tứ thì nói năng, đi lại nhẹ nhàng không ồn ào nhưng nhiều khi “không ồn ào” mà vẫn chẳng có ý tứ chút nào:
“ – Con gái mẹ tiến bộ lắm, hôm nay con xuống cầu thang đã nhẹ nhàng không nện guốc thình thình như mọi hôm nữa!
Vâng!
Ừ, mà con cũng đã 20 tuổi rồi, đi đứng ý tứ thế là phải!
Vâng, con tụt từ trên tay vịn xuống đấy mẹ ạ!
!!!

Tụt trên tay vịn cầu thang xuống là ý tứ của một cô gái đến tuổi lấy chồng! Giữa bản chất và hiện tượng càng khác xa nhau bao nhiêu thì lối tư duy ngược này càng dễ gây cười bấy nhiêu:
“ – Thế mới biết ở Hà Nội họ bảo vệ cây cối chặt chẽ thật!
???
Mấy lần có việc qua Hà Nội, xuống tàu khuya, đi từ nội thành ra ngoại thành mình thấy ở gốc cây nào cũng có hai người ngồi gác…!

Người ta cũng xây dựng những nụ cười mà “hình thứ lô-gích thì” đẹp đẽ, nhưng bản chất của sự việc thì đầy mâu thuẫn. Đó là cái cười một cô gái mua 6 bưu ảnh đề sẵn dòng chữ: “tặng người yêu duy nhất của em”; cũng là cái cười ông lang băm khuyên người bệnh yên tâm, vì “tôi đã chữa cho 100 người thì ít ra cũng có một người khỏi! Vừa qua, 99 người tôi chữa đều đã ra đồng cả, ông là người thứ 100 thì cứ yên tâm, nhất định sẽ khỏi”. Nội dung càng mâu thuẫn với hình thức thì tính châm biếm, chế giễu càng cao. Người ta trào lộng cái quyết ý ly dị của một bà vợ: “Một cặp vợ chồng đến tòa án xin ly dị, người vợ đòi phiên tòa phải xử thật công bằng, phải chia đều tất cả… Chánh án: Ông bà có mấy con? Thưa, có 3 con. Thế là phiên tòa đang im lặng bổng sôi nổi hẳn lên. Làm thế nào để chia con cái cho công bằng? Cuối cùng chánh án quyết định hỏi ý kiến người vợ trước đông đảo mọi người. Bà vợ bèn suy nghĩ một lúc rồi nhìn chằm chằm vào ông chồng, nói to: Được rồi, đã thế thì tôi với ông về nhà, sau một năm nữa đến đây, lúc đó ta sẽ có chẵn 4 con…” Tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh xã hội sẽ “cười” cách khác nhau. Như đã nêu, tự người nghe, người đọc khám phá ra sự mâu thuẫn bất ngờ giữa tình huống mà người ta chờ đợi với tình huống thực tế đã xảy ra, là điều quan trọng nhất để gây cười. Do kinh nghiệm xã hội, do trình độ văn hóa, do thói quen nghề nghiệp, do lứa tuổi mà một số sự việc đối với người này là bất ngờ, nhưng với người kia lại là bình thường; đối với người này thì thú vị nhưng đối với người khác lại không hiểu nổi và dẫn đến những ngạc nhiên buồn chán chứ không phải buồn cười. Một thiếu niên có thể rất thích thú với trò chơi chữ ngồ ngộ:
“ Thế tướng nào bị ta bắt sống?
Ô-ngựa- nhỏ ạ!
?!

Thưa, mã là ngựa, nhi là nhỏ, nên Ô-mã-nhi cũng gọi là tướng Ô-ngựa-nhỏ ạ, tiểu tốt vô danh ạ!
Nhưng nét vui đó sẽ “nhạt” với những ai đã quen với lối chơi chữ “hồ bất thực”, là “cây … gạo” hoặc “mộc tồn” là “cây còn” là “con cầy”. Các em thiếu niên có thể thấy nụ cười “trả lời rõ ràng” chả hay chút nào:
“ Viên đại tá lần lượt hỏi các thanh niên mới bị động viên tới trại lính:
Thế nào, Giăng, nước Pháp là cái gì?
Giăng nghĩ, do dự rồi trả lời:
Nước Pháp là mẹ tôi.

Anh giảng giải như thế không rõ rệt cho lắm, nhưng câu trả lời đã chứng tỏ được tấm lòng của anh. Tốt! Thế nào, Pôn, nước Pháp là cái gì? Pôn trả lời không do dự: Nước Pháp là mẹ của Giăng!. Cách châm biếm thật dí dỏm, mà rất mực thông minh sắc sảo. Sự non kém, ngờ nghệch trong nhận thức chính trị của thanh niên nọ ở một nước tư bản được miêu tả cực kỳ sinh động trong câu trả lời rõ ràng của Pôn “Nước Pháp là mẹ của Giăng!”. Với ai có thói quen nhường chỗ trên xe buýt, trên tàu… cho người già cả, cho phụ nữ mang thai hoặc con nhỏ thì sẽ rất nhạy cảm và buồn cười khi đọc “Nhường chỗ”: “ Trên xe buýt một thiếu tá đang đứng trước mặt một trung sĩ đang ngồi. Trung sĩ bỗng đứng dậy. Thiếu tá lịch sự ấn vai anh ta xuống:
Cám ơn, anh cứ ngồi xuống!
Lần thứ hai lại đúng như thế. Tới lần thứ ba, mặc dầu thiếu tá lại ấn vai, nhưng trung sĩ kiên quyết đứng dậy và nói lớn:
Thưa thiếu tá, tôi không có ý định nhường chỗ, ngài đã làm tôi quá mất hai ga rồi!”
“Lối mòn” của những nụ cười. Khi bạn xem phim, nếu có một người ngồi bên luôn luôn kể trước những sự việc sắp xảy ra, chắc bạn cảm thấy khó chịu, vì như vậy sự việc xảy ra đối với chúng ta sẽ không còn mới mẻ nữa. Lượng thông tin của sự việc đã bị giảm đi. Có những chuyện cười, lần đầu nghe thấy rất hay và ta cười phá lên, lần thứ hai nghe lại những chuyện như vậy, tính hài hước của nó bị giảm đi, lần thứ ba bạn chỉ còn mỉm cười khi nghe chuyện đó. Càng ngày lượng thông tin về sự việc càng giảm đi, tính châm biếm, tác dụng bất ngờ của câu chuyện đó sẽ không còn nữa và nó chỉ làm chúng ta cười gượng; bạn đọc khó tính sẽ thốt lên “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Người ta đã viết nhiều “nụ cười”về sự đãng trí của nhà bác học, của người thầy thuốc hay về sự gàn, tính “hâm” của những người hay đem thói quen nghề nghiệp vào trong cuộc sống. Đi theo những lối mòn này để tạo ra bất ngờ dễ dẫn độc giả tới chỗ hẫng khi đọc những nụ cười của chúng ta. Dùng ngôn từ, dùng lô-gích để tạo ra những bất ngờ đầy tính hài hước là một nghệ thuật, một nghệ thuật trí tuệ.

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com