Nên học ngoại ngữ từ rất sớm

GS TS Nguyễn Đức Dân

về trang chủ
Không có nhu cầu giao tiếp sẽ không có ngôn ngữ. Tách bé sơ sinh khỏi xã hội loài người, nó sẽ không biết tiếng người. Con người có năng lực bẩm sinh ngôn ngữ. Tiếng nói: sản phẩm đặc biệt của con người Tôn giáo và ngôn ngữ không di truyền. Hoàng đế Zêlan Utđin Acba muốn biết một đứa trẻ không ai dạy bảo thì có thể gọi tên các vị thần trong tôn giáo mình hay không và nó có thể nói được tiếng nói của dân tộc mình hay không? (ý ông muốn biết tôn giáo và ngôn ngữ có di truyền không?) Ông bèn bắt cóc một số trẻ sơ sinh thuộc nhiều dân tộc theo nhiều tôn giáo khác nhau rồi cho nuôi trong một tháp kín, không ai được lai vãng tới... Vậy là biệt lập hoàn toàn với xã hội loài người. Sau 12 năm mới mở cửa tháp. Bọn trẻ vẫn lớn nhưng có thú tính. Và đặc biệt không nói được tiếng người, và tất nhiên không biết tiếng mẹ đẻ của chúng. Người sống cùng lợn. Bé Wang là con một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Mẹ bị liệt nên em bị bỏ rơi khi mới hai tuổi. Ngày ngày bé Wang cùng ăn ngủ với một đàn lợn cho đến năm lên 6 tuổi thì… một hôm , cô giáo Xiên vào rừng bắt gặp một em bé cùng đàn lợn đang kiếm ăn trong khu rừng đó. Thấy người, đàn lợn hoảng sợ bỏ chạy. Em bé cũng chống hai tay xuống đất cùng chạy theo đàn lợn. Cô giáo Xiên vội báo cho cơ quan y tế địa phương. Khi đoàn nghiên cứu tới nơi, họ rất ngạc nhiên vì thấy em bé đang dùng miệng thúc vào máng lợn và kêu ụt ụt… tranh ăn với đàn lợn. Mọi động tác của em giống hệt một con lợn. (NB&CL, 11.1991) Vậy là trẻ em khi sinh ra, ở với người nói tiếng người, ở với loài vật nào có “ngôn ngữ” của loài vật đó. Người sống với sói. Ở Ấn Độ , năm 1920, người ta phát hiện ra có hai bé gái được chó sói nuôi. Một khoảng 2 tuổi, một khoảng 7,8 tuổi. Hai em được cứu thoát. Khi trở về, em nhỏ bị chết. Em lớn sống được. Tuy nhiên em có những tập tính của chó sói: gầm gừ, bò bằng cả chân lẫn tay, thỉnh thoảng lại sủa. Và cũng không nói được một thứ tiếng nào cả. Người ta dạy tiếng cho em. Sau 4 năm, em học được 6 từ. Khoảng 16 tuổi em chết, lúc đó em biết 50 từ có năng lực ngôn ngữ của một em bé 4 tuổi). Thế là ở với sói nói “tiếng sói” và tới một tuổi nào đó sẽ mất khả năng học tiếng người. Một đứa trẻ Việt vừa lọt lòng, nếu sống trong một gia đình người Pháp, người Anh hay người Hàn thì nó sẽ nói tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Hàn. Bất cứ đứa trẻ nào, dù được sinh ra ở đâu, bố mẹ của chúng là ai nhưng được sống trong môi trường ngôn ngữ nào thì nó cũng nói thứ tiếng đó. Chim muông không có khả năng này. Mỗi loài chỉ có thể “nói” theo “ngôn ngữ” tổ tiên mình. Sói hú, chó sủa, sáo hót, dê be be, lợn ủn ỉn, …Và quan trọng hơn, không con vật nào dù thông minh nhất lại có thể nói được tiếng người. Loài vẹt, loài sáo… có thể “học vẹt” được một số từ nào đó của con người. Nhưng chúng “nói” mà không hiểu. Được dạy câu “nhà có khách”, khi thấy tên trộm vào dẫn trâu nhà mình đi thì vẹt ta vẫn “nhà có khách!”, “nhà có khách!” Qua quá trình tiến hóa, bộ óc của con người đã phát triển tới mức có thể tiếp thụ, lĩnh hội được ngôn ngữ. Năng lực bẩm sinh ngôn ngữ Trong các ngày 10 – 13 tháng 10. 1975, tại Trung tâm Royaumont, Paris, có cuộc thảo luận (débat) về chủ đề lí thuyết về hoạt động ngôn ngữ và sự học tập ngôn ngữ giữa nhà ngôn ngữ học Mỹ lừng danh Noam Chomsky và nhà tâm lí học Thụy Sĩ cự phách Jean Piaget. Tham dự còn rất nhiều nhà khoa học tên tuổi thuộc những lĩnh vực nhận thức luận, triết học, y học, di truyền học, thần kinh học, toán học, nhân chủng học, sư phạm học, trí tuệ nhân tạo,… Tâm điểm cuộc trao đổi là lí thuyết tính bẩm sinh trong ngôn ngữ của Noam Chomsky và lí thuyết về sự phát triển tâm lí nhận thức trong quá trình học tiếng của Jean Piaget. Theo N. Chomsky, ngôn ngữ con người là một hệ thống phổ quát. Có mấy nghìn ngôn ngữ tự nhiên khác nhau. Chúng chỉ khác nhau trên bề mặt, còn cấu trúc chìm (underlying structures) lại rất giống nhau. Con người thừa hưởng một năng lực bẩm sinh (innate capacity) về ngôn ngữ được di truyền từ đời này qua đời khác. Trẻ em dùng cái năng lực bẩm sinh ngôn ngữ này để học những ngôn ngữ cụ thể. Đây là học nói. Sau mới học viết, học các qui tắc từ vựng, ngữ pháp. Đứa trẻ hình thành một ngôn ngữ qua quá trình tiếp nhận, học tập , sáng tạo nhờ năng lực bẩm sinh ngôn ngữ. Các em bắt chước và lặp lại theo lời người lớn, tự ghép nối những từ rời theo những “qui tắc” các em cảm nhận được khi nghe người chung quanh nói và được điều chỉnh, rút kinh nghiệm theo sự chỉ bảo của người lớn cho đúng với tình huống dùng… Trong khi đó, trường phái hành vi luận (behaviorism) trong giảng dạy và học tập ngôn ngữ lại dựa trên hòn đá tảng là tính phi bẩm sinh (innateness). Quá trình kích thích - phản xạ theo những cách tiếp cận khác nhau sẽ tạo ra những thói quen ngôn ngữ, rồi trở thành những cấu trúc ngôn ngữ. Theo thời gian, năng lực bẩm sinh ngôn ngữ giảm dần. Lúc này, sự khác biệt loại hình (typology) giữa hai ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của người học. Người Pháp học tiếng Rumanie dễ hơn học tiếng Việt. Người Việt học tiếng Trung dễ hơn học tiếng Nga. Luận điểm của Jean Piaget về thụ đắc ngôn ngữ đúng ở giai đoạn này. Những người song ngữ (bilingual speaker) Người song ngữ là người biết hai thứ tiếng. Nước ta, có những cộng đồng dân tộc nằm trong cộng đồng người Việt nên họ nói hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng của cộng đồng mình: tiếng Hoa, tiếng Khơme, tiếng Chăm, tiếng Tày, tiếng Raglai, tiếng Êđê, tiếng Khơmú... Có sự phân biệt song ngữ hoàn toàn, thành thạo hai ngôn ngữ như nhau, và song ngữ bộ phận, nắm vững một ngôn ngữ còn ngôn ngữ kia dùng được trong từng phạm vi cơ bản. Lại có thể phân biệt song ngữ mù chữ và song ngữ biết chữ. Có những người Hoa ở Sóc Trăng nói thoải mái 3 thứ tiếng Việt, Hoa, Khmer vẫn có thể mù chữ một hai thứ tiếng mà họ nói thành thạo. Điều này là một bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết bẩm sinh: Biết nói do học hỏi từ bé, học hỏi trong cộng đồng, chứ không nhất thiết phải biết chữ, biết các qui tắc ngữ pháp. Có những đứa trẻ nói được hai thứ tiếng thành thạo như nhau. Thứ tiếng mà bố mẹ dùng trong gia đình nó nghe từ bé và thứ tiếng của xã hội mà đứa trẻ học khi tới lớp mẫu giáo và lớn lên trong nhà trường. Nên học ngoại ngữ từ rất sớm Không thấy nghiên cứu nào nói rằng khả năng bẩm sinh không dùng được để tiếp nhận hai ngôn ngữ. Vậy thì, sau 5 năm đầu đời các em đã vô thức tiếp nhận được cơ cấu tiếng Việt, năng lực bẩm sinh ngôn ngữ vẫn được các em dùng để tiếp nhận một ngoại ngữ khác. Nên tận dụng điều này cho trẻ em học ngoại ngữ từ rất sớm. Sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tới trung học mới học ngoại ngữ. Vấn đề là phải có những điều kiện cần để việc học ngoại ngữ sớm thành công. Trước hết, cách học tiếng ở giai đoạn này là học mà chơi, chơi mà học. Học theo kiểu bắt chước những hình ảnh thấy trên màn hình, bắt chước lời thầy cô, bắt chước những tình huống giao tiếp. Muốn vậy, một mặt cần có chương trình và phương tiện giảng dạy tốt: thật nhẹ nhàng, sinh động qua những trò chơi, và bài hát thích hợp với tâm sinh lí trẻ nhỏ. Mặt khác thầy cô phải là những người mẫu mực, thực sự thông thạo trong giao tiếp tiếng Anh để trẻ em bắt chước. Nói cách khác, cần những giáo viên giỏi. Năng lực ngoại ngữ của trẻ em sẽ mất đi nếu không được rèn luyện liên tục. Trong tình hình hiện nay chưa đủ những điều kiện cần, việc dạy đại trà tiếng Anh ngay từ lớp 1 sẽ khó thành công. Tuy nhiên, nơi nào và những ai có đủ những điều kiện vừa nêu thì không lí do gì mà không dạy tiếng Anh cho trẻ từ rất sớm.

Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , email truongsonh7@yahoo.com