“Dư thừa” có dư không?
GS TS Nguyễn Đức Dân
về trang chủ
Xin cám ơn bạn Chu Xuân Việt khi đọc bài Tiếng Việt đang “dài” ra (SGTT, 29.8.2011) đã cho nhận xét về từ dư thừa liên quan đến một hiện tượng thú vị trong tiếng Việt.
Trong tiếng Việt có những từ ghép – do hai từ đơn ghép lại. Từ ghép có nhiều loại.
Nhà gạch, nhà hàng, nhà máy,… là những từ ghép chính phụ – tiếng đứng đầu là chính, tiếng thứ hai là phụ nhằm làm rõ nghĩa cho tiếng thứ nhất.
Nhà cửa, đường sá, chùa chiền, chợ búa, vợ chồng, ăn chơi… là những từ ghép đẳng lập – hai từ cùng loại ghép với nhau để tạo ra một từ cùng loại nhưng có ý nghĩa khái quát hơn.
Tốt xấu, phải trái, trước sau, trên dưới, đi lại, thắng thua, được mất …cũng là những từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố trái nghĩa hợp với nhau thành một từ có ý nghĩa khái quát.
Trật tự những tiếng trong từ ghép là một hiện tượng rất thú vị liên quan đến triết lý của người Việt, đáng được thảo luận. Nhưng chưa phải là đối tượng trình bày trong vài dòng ngắn ngủi này.
Tôi chỉ xin nêu một hiện tượng liên quan đến từ ghép đẳng lập hai yếu tố đồng nghĩa. Có hàng loạt từ ghép hai yếu tố đồng nghĩa mà một thuộc phương ngữ Bắc Bộ , một thuộc phương ngữ Nam Bộ.
Có từ, tiếng Nam đặt trước, như dơ bẩn, chén bát, kêu gọi, dư thừa, …Lại có từ tiếng Bắc đặt trước, như nông cạn, thứ hạng, tìm kiếm, đón rước…(Tôi chưa giải thích được vì sao lúc thì tiếng Nam đặt trước, lúc thì tiếng Bắc đặt trước. Ai biết xin chỉ giùm.) Vậy những từ này không dư. Viết cho SGTT là tòa báo ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng có bạn đọc cả ở Hà Nội. Vậy nên tôi có ý thức khi viết “dư thừa”. Nó không dư mà cũng chẳng thừa.
Sài Gòn, 29.8.2011
|