Báo xuân Công an tp.HCM
Đời
trước làm quan cũng
thế a?
GS TS Nguyễn Đức Dân
1.
Thành ngữ giấy trắng mực đen có nghĩa là có
văn bản – những điều viết rành rành ra
đấy – làm bằng chứng, không thể chối cãi
được.
Ấy thế nhưng trong văn chương nhiều câu
chữ ‘giấy trắng mực đen’ có thể
được “đọc” khác đi, giải thích khác
đi. Và gây ra biết bao vụ án văn chương ở
Tầu cũng như ở ta.
Chỉ
vì một sáo ngữ hổ
cứ long bàn (đất hổ ngồi rồng uốn
khúc) trong bài Thượng
lương văn (bài
văn cho lễ gác đòn tay lớn
nhất của ngôi nhà) mà tác giả Cao Khải bị Minh
thái tổ ghép tử án (năm 1374), chặt thành 8
đoạn. Bởi có kẻ tâu với
Chu Nguyên Chương rằng đất hổ ngồi mà
rồng uốn khúc tức có hàm ý muốn làm phản.
Chỉ
vì nhan đề truyện ngắn Cây táo ông Lành có
dính dáng tới câu thơ “Cành
táo đầu
hè rung rinh quả ngọt” của một vị lãnh
đạo
mà người ta suy ra nhiều câu chữ trong truyện này
có ám chỉ xỏ
xiên giới lãnh đạo.
Không bị tội chết nhưng tác giả truyện
ngắn này cũng bị
đảy đến điêu
đứng, khốn khổ cùng cực.
Thế
nào là hàm ý, ám chỉ trong câu
chữ?
2. Trong văn
chương, viết
sao cho lời ít ý nhiều,
phần hiện ra trên
bề mặt chữ nghĩa thì ít nhưng ý
tứ sâu xa bên trong lại nhiều là viết hay.
Trước
hết, trong lời nói có những thông
tin không
chủ đích.
Nói
khác viết. Nói chứa
đựng nhiều thông tin hơn viết. Nghe giọng nói một
người (qua điện thoại), chúng ta nhận ra
người này già hay trẻ, nam hay nữ, khoẻ hay yếu… Ông này người Bắc, cô này
người Huế … Giọng nói còn cho biết người nói vui
vẻ hay buồn tủi, ân
cần hay hờ hững, thân
tình, khiêm tốn hay bẳn gắt,
kênh kiệu, láo xược … Giọng nói là những thông tin tự nhiên,
ngoài ý định
của người nói, muốn giấu
cũng không được. Khi nói năng có
thể vô tình bộc lộ những thông tin khác:
“ - Hồi nhỏ đi học có hay
bị bạn đánh không?
-
Bé
người cho nên cũng hay bị bạn bắt nạt.
-
Không
phải là người Nam Bộ! Người Nam Bộ
không nói bắt
nạt.
Ờ mà phải, tôi vừa trót
lỡ lời không dùng chữ ăn
hiếp là tiếng Nam Bộ.”
(Bất khuất,
Nguyễn Đức Thuận)
Ngoài nghĩa
đen, trên câu chữ còn chứa
đựng những thông tin không là chủ
đích của người nói, nhưng phải có nó
câu mới đúng. Câu hỏi “cô
được mấy con?” có tiền giả định là
“cô đã có con”. Bình thường,
câu hỏi trên không bộc
lộ một ý tứ gì cả. Nhưng “cô đã
có con” là điều
kiện cần thiết để câu hỏi trên là
chuẩn mực. Nguyễn Trãi hỏi cô bán
chiếu gon “Đã có chồng chưa,
được mấy con?” Chưa chồng mà lại
hỏi “được mấy con” là không chuẩn nên
Thị Lộ đáp “chồng còn chưa có, nói chi
con”.
Trong
tiếng Việt, từ cũng có tiền giả
định dùng
để so
sánh với đối tượng khác cũng
có tính chất như vậy nhưng thấp hơn chuẩn. Trong phim Chỉ còn lại tình yêu (t.12),
cô gái hỏi mẹ:
- Mẹ thấy anh ấy thế
nào?
-
Cũng
được.
-
‘Cũng
được’ thôi à?
‘Cũng
được’ có mức độ thấp hơn ‘được’
nên con gái không hài lòng và dùng “thôi à?” chỉ mức
độ thấp để hỏi lại.
Trong
câu ca dao “Mới yêu thì cũ
cũng yêu/Mới có mỹ miều, cũ có công lênh”,
cụm từ “cũ cũng
yêu” bộc lộ mức độ yêu người
vợ cũ vẫn thấp
hơn yêu người vợ mới. Phạm
trù sắc đẹp (mỹ miều)
được đặt cao hơn phạm trù công sức đóng góp (công
lênh), phù hợp với quan niệm trai tài, gái sắc.
3.
Những thông
tin có chủ đích trong câu nói được gọi
là hàm ngôn. Và phân biệt
thành hàm ý, ngụ ý, ám chỉ
... Để thể hiện những
điều này, từ hư –
những từ mà ngữ
pháp truyền thống gọi
là “rỗng nghĩa” – có vai trò đặc
biệt quan trọng. Chúng ta nêu ví dụ qua qua hai từ mà và cũng.
Hàm ý
Nhờ
từ mà chúng ta nhận ra
được điều không nói ra trong
câu “Giàu có ức vạn mà làm cộng sản, thật
cũng lạ” mà Nguyễn Khải viết trong vở Cách mạng là nghèo
thì mới làm cộng sản.
Từ
mà là một công cụ
thể hiện quan
điểm, lý lẽ - tức là hàm ý
- của người nói: điều
xảy ra là ngược
đời, là không bình
thường. Không
xảy ra mới phải. Khi thốt ra câu
“Làm vậy mà được
khen” hàm ý của người nói là làm vậy không đáng
được khen. Hồ Xuân
Hương
viết trong Tự
tình: “Mõ thảm không khua mà
cũng cốc./Chuông sầu chẳng đánh cớ sao
om? Giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao bình
luận về San: “Giáo khổ trường tư mà cũng đòi nhìn mặt gái tân thời”. Cụm
từ mà cũng bộc
lộ quan điểm của
giáo Thứ: Ai mơ
tưởng tới gái tân thời thì được
chứ giáo khổ trường tư thì
không. “Thiếu chi hoa lý hoa lài/Mà anh đi
chuộng hoa khoai trái mùa?” Cô
gái trong ca dao trên tiếc rẻ là người con trai đã
làm điều
ngược đời, đi chọn người con gái tầm thường hoa khoai
trái mùa.
Ám
chỉ
Khi buộc
phải làm
gia sư dạy con Hoàng Cao Khải, và có lần
buộc phải làm chủ
khảo trong một cuộc thi vịnh Kiều do Lê Hoan tổ chức ở
Hưng Yên, trong bài vịnh Kiều bán mình, Nguyễn Khuyến viết:
‘Thằng
bán tơ kia giở giói ra,
Làm cho vương đến cụ
viên già.’
‘Thằng bán tơ’
ám chỉ Lê Hoan, còn ‘cụ viên già’ ám chỉ mình.
Không có quy tắc ngôn từ hay lô gích để xác
định lời nói A cốt ám
chỉ B. Người ta hiểu ngầm lời ám chỉ đó nhưng không có cớ để
bắt lỗi.
Ngụ
ý
Giống như ám chỉ, cũng không có quy tắc rõ ràng để xác định ngụ ý. Người
nghe không dễ hiểu ngay được
ngụ ý, ám chỉ
của người
khác. Do kinh nghiệm
sống mà
người nghe hiểu
ngầm, phát hiện ra
ám chỉ, ngụ ý.
‘Xla-vin bật cười: - Ông ta
không chơi bóng bàn đấy chứ?
Glép chưa
hiểu ra ngay, vươn người về phía
người đối thoại – theo thói quen – và hỏi:
-
Bóng
bàn? Sao vậy? Ông định ngụ ý gì?
-
Tôi ngụ ý đến một
nền ngoại giao – Xlavin đáp - Ông có nhớ đã từng có một kiểu
ngoại giao như
thế rồi không?
-
À
, đó là những trò chơi của
tiến sĩ Kít-xinh-giơ’ (TASS
được quyền tuyên bố,
179)[1]
4.
Giá
trị của tiền giả định
+
Qua từ cũng người
nói vô tình
bộc lộ một thông tin
rất quan trọng.
“Hai học sinh
ngồi cạnh nhau trong giờ kiểm tra. Kết quả:
A được 9 điểm còn B được 4
điểm. B lên kiện cô giáo cho điểm không công
bằng: Bài em làm giống y
hệt bạn ấy sao cô cho bạn ấy 9 còn
bài của em cô cho có 4 điểm?
Cô giáo: Đúng là
từ trước tới nay bài hai em giống hệt nhau
nên cô cho điểm bằng nhau. Nhưng hôm nay bài của em
khác bạn ấy một chữ.
- ???
- Ở bài cuối cùng bạn
ấy viết ‘Em không
giải được bài này’, còn em viết ‘Em cũng không giải
được bài này. Vậy là em đã
nhìn bài bạn ấy.”
+
Qua từ cũng và thêm
trạng ngữ để tạo hàm ý
Hai câu cuối trong vịnh Kiều bán mình là:
“Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời
trước làm quan cũng
thế a?”
Trạng ngữ
‘đời
trước’ và từ cũng đã tạo ra hàm ý: đời nay –
đời Nguyễn Khuyến và cả đời chúng ta
đang sống – quan lại tham nhũng. Cái gì không mua được
bằng tiền đều có thể mua được
bằng rất nhiều tiền.
Với cách thêm trạng
ngữ, người ta có
thể ngụy tạo ra
một câu có hàm ý bôi nhọ nhưng không bắt
bẻ được.
Chuyện như
sau. Trên một con tàu biển có lệnh cấm sĩ quan
uống rượu trong phiên
trực. Thuyền trưởng rất mẫu mực
còn thuyền phó là một sâu rượu.
Một lần thuyền phó say xỉn trong buổi trực. Thuyền trưởng ghi
vào nhật ký tàu: “Hôm
nay, thuyền phó say rượu trong phiên trực.” Thuyền phó tìm
cách trả đũa. Một lần ông ghi vào nhật ký
tàu: “Hôm
nay, thuyền trưởng không say rượu trong phiên trực.”
Thay một chữ, hàm ý có
thể đảo chiều 1800. Hóa ra mọi ngày
thuyền trưởng luôn luôn say rượu.
Người
viết bài này hy vọng rằng 50 hay 100 năm sau, con cháu
chúng ta ngạc nhiên thắc mắc:
Có
tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời
trước làm quan lại
thế a?
[1] [nền ngoại giao bóng bàn: Tháng 4.1971, lần đầu tiên Trung Quốc mời đội bóng bàn của Mỹ sang Bắc Kinh thi đấu giao hữu, chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh Trung – Mỹ. Tháng 7. 1971 ngoại trưởng Mỹ Kissinger bí mật tới Bắc Kinh chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2.1972 của tổng thống Nixon. Ngày 16.4.1972 Mỹ mở cuộc ném bom đầu tiên xuống Hà Nội (kho xăng dầu Đức Giang).]