Trở lại đề thi môn ngữ
văn THPT
Đọc hiểu
khổ thơ Lưu Quang Vũ
Nguyễn
Đức Dân
1.
Một câu hỏi đọc hiểu trong
đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2016
đã gây xôn xao dư luận. Kỳ thi đã qua đi.
Nhưng nhiều bạn đề nghị tôi nêu ý kiến
về đề thi này, trong đó có phóng viên Vietnam.net và Tuổi Trẻ nên tôi xin nêu ở đây một vài
ý kiến.
Đoạn trích thứ nhất bài thơ Tiếng Việt của
Lưu Quang Vũ như sau:
“Chưa chữ viết
đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng
cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng
Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như
tơ.”
Câu hỏi 1: “Sự mượt mà và tinh tế của
tiếng Việt được thể hiện ở
những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ
nhất?”
Đáp án là: “Những từ ngữ thể hiện
sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt: vẹn tròn, vầng trăng cao,
đêm cá lặn sao mờ, bùn, lụa, óng tre ngà, mềm
mại như tơ.” (Trích đề thi và đáp án
của Bộ GD&ĐT)
2.
Người
đọc lấy làm tiếc ở câu hỏi 1. Đáng tiếc ở từ và.
Trong tiếng Việt, về phương
diện logic liên từ và đòi
hỏi hai yếu tố nó liên kết đồng thời
xuất hiện. Một từ thể hiện “sự
mượt mà và tinh tế”
phải vừa mượt mà vừa tinh tế. Làm sao mà
từ bùn (hay biến
thể đất cày)
vừa mượt mà vừa tinh tế? Với câu hỏi
và đáp án trên người ra đề góp phần luyện cho học sinh thứ
tư duy đại khái, tùy tiện khi đọc hiểu
từ ngữ tiếng Việt trong văn bản (ở
đây là từ và). Cách hiểu tùy tiện về từ và đã đi vào Luật quốc tịch.
Điều 15 bộ luật này quy định “Trẻ em
sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có
cha và mẹ đều là
công dân thì có quốc tịch VN.” Theo Bộ Tư pháp
giải thích chỉ cần có cha hoặc mẹ là công dân VN thì có quốc tịch VN từ khi sinh ra” [Nguồn
dẫn: Tuổi trẻ
cuối tuần, 07.8.2016] Tại sao và lại hiểu thành hoặc?
Thà bỏ đi từ và để
được một câu hỏi mập mờ còn hơn: “sự mượt mà tinh
tế” được thể hiện ở những
từ ngữ nào...? Lúc đó
những từ ngữ trong đáp án ai muốn hiểu là
chỉ có một phẩm chất mượt mà hay một phẩm chất tinh tế hay có cả hai
phẩm chất đó cũng được.
Khó mà chứng minh được sự tinh
tế của nhiều từ ngữ trong đáp án trên.
Trước hết, một trong những điều
làm nên những từ ngữ tinh tế là có nhiều từ ngữ với sắc thái khác nhau
để lựa chọn khi diễn đạt một
khái niệm.
Ví dụ: Trong tiếng Việt có nhiều
từ thể hiện khái niệm “chết” như: chết, mất, hy sinh, qua
đời, tạ thế, quy tiên,về chầu trời,
về nơi chín suối, trăm tuổi, ngoẻo, toi, vào
sáu tấm,…Đi, về cũng là hai ẩn dụ
chỉ cái chết. Đó là tiếng Việt phong phú từ
ngữ , cho phép người dùng lựa chọn
được từ ngữ thể hiện
được sắc thái tinh tế, thích hợp nhất
với ngữ cảnh.
Khi Hồ chủ tịch qua đời, nhà
thơ Tố Hữu thốt lên “Bác đã đi rồi, sao
Bác ơi!”. Theo triết lý người Việt, chết là
từ bỏ vợ con, từ bỏ gốc rễ, từ
bỏ những người thân trong gia đình mà ra đi mãi mãi và để
lại nuối tiếc cảm thương cho những
người còn sống. Do vậy, đi trở thành ẩn dụ của cái chết.
Bác Hồ coi người Việt là đại gia đình
của Bác. Thế là từ đi trong “Bác đã đi rồi
sao Bác ơi!” diễn đạt tinh tế được
sắc thái nghĩa này.
Cảm khái về cái chết của
người chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến, nhà
thơ Quang Dũng viết lời bi tráng “Áo bào thay chiếu
anh về
đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Theo
triết lý nhà Phật cõi trần là cõi tạm, sống
gửi thác về. Chết là về
với thế giới linh hồn cội nguồn, về với cát bụi, cõi
vĩnh hằng. Do vậy, về
cũng trở thành một ẩn dụ của cái
chết. Từ về trong cách nói “anh
về đất” cũng là một diễn đạt tinh
tế.
Thứ hai, sự tinh tế của từ
ngữ còn được hiểu là sự mở rộng đặc sắc nghĩa
của từ ngữ trong những tình huống dùng khác nhau
phản ánh quy luật nhận thức của chúng ta..
Từ lặn trong “mặt
trời lặn” có sự mở rộng nghĩa rất
đặc sắc, phản ánh một nhận thức
rất tinh tế của người Việt, những
cư dân đời sống gắn với sông nước.
Câu miêu tả cá lặn, cóc nhảy, chim bay
chẳng có gì đặc biệt mà bảo là mượt mà,
tinh tế. Nhưng cách nói mặt
trời lặn hầu
như không thấy ở nhiều ngôn ngữ khác ắt
hẳn có một lý do tinh tế nào đó. Để
diễn đạt hiện tượng này, người Anh
nói “The sun is down”, người Pháp nói “le soleil se couche” [» mặt trời đi
ngủ], “au coucher du
soleil” [»lúc mặt trời lặn]. Từ thuở xa
xưa, cha ông chúng ta gắn đời sống với sông
nước và luôn lấy mình làm trung tâm để nhận
thức sự vật quanh mình. Nhiều hiện
tượng thiên nhiên được gọi tên theo
những hiện tượng gắn với sông
nước. Một ngày bắt đầu, ta thấy
mặt trời nhô lên như là thấy những bông súng, bông
sen mọc lên từ
đầm nước. Thế là có mặt trời mọc.
Khi hoàng hôn buông xuống chúng ta thấy mặt trời
từ từ chìm xuống rồi mất hút tựa như
thấy một người đang bơi rồi lặn
xuống và cũng mất hút. Thế là hình thành cách nói mặt trời lặn. Đó là những nhận thức tinh
tế của người Việt.
Sự phát triển nghĩa của những
từ hư, những từ chỉ vị trí và
phương hướng chuyển động trên, dưới, trong, ngoài, đi, về, lên, xuống, ra, vào,
lại … và nhiều từ khác như mọc, lặn…làm nên những đặc sắc
và tinh tế của tiếng Việt.
Nếu không thấy
được sự phát triển nghĩa tinh tế của
từ lại thì không
thể giải thích hết được cái hay trong câu thơ mời trầu
của Hồ Xuân Hương: “Có
phải duyên nhau thì thắm lại
[/Đừng xanh như
lá bạc như vôi]”
3.
Từ “vẹn tròn”
là chìa khóa giải mã khổ thơ trên
Đồng nghĩa với
“trọn vẹn” nhưng với thanh bằng đứng
cuối, từ vẹn tròn mượt
mà mới đứng được trong dòng thơ thứ
nhất. Người Việt xưa quan niệm trái
đất vuông, mặt trời tròn nên có tục làm bánh
chưng bánh giầy. Hình vuông và hình tròn là hai hình
biểu trưng cho sự hoàn hảo. Vậy nên vẹn tròn tiếng nói có
nghĩa là tiếng nói hoàn hảo. Dòng thơ thứ
hai giải thích điều này. Nó bổ nghĩa cho
“tiếng nói”. Đó là “tiếng nói vầng trăng cao” và “tiếng nói đêm cá lặn sao mờ”. Vầng trăng cao miêu tả cảnh đẹp
bên ngoài. Còn đêm cá lặn sao
mờ miêu tả được tâm tư, nỗi niềm
vì đây là những từ ngữ trích từ câu ca dao
về cái buồn mênh mang của người con gái:
“Đêm
qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn
trông con nhện chăng tơ […]”
Vừa miêu tả
được cảnh đẹp bên ngoài, vừa miêu tả được nội tâm nên tiếng Việt
là toàn bích. Thế là Lưu Quang Vũ cảm hứng thốt
lên ngợi ca “Ôi tiếng Việt…”. Nhưng sao lại “…như bùn và như lụa/ [Như]
Óng tre ngà và mềm mại như tơ”? Hai câu so sánh này lại
mang thông điệp ngầm ẩn là kết quả của
quá trình liên tưởng tiếng
Việt hoàn hảo còn miêu tả được công
việc của người nông dân cày cấy “chân lấm
tay bùn”
với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Lũy tre làng quê hiện ra
trong câu so sánh cuối cùng. Ở đây tiếng việt không
chỉ mềm mại như tơ mà còn rắn chắc,
mạnh mẽ như óng tre ngà của Thánh Gióng.