Dạy chữ Hán hay dạy từ Hán-Việt ? GS TS Nguyễn Đức Dân về trang chủTrên TTCT (27.6.2010) PGS TS Đoàn Lê Giang viết bài “Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường”, trong đó nói người Hàn và người Nhật cũng dạy chữ Hán cho học sinh trung học (HSTH). Tác giả viết “chừng nào chúng ta còn coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, chừng nào chúng ta còn nhìn các nước Đông Á như những cái mốc cần phải đuổi kịp thì chừng ấy chúng ta còn cần phải dạy chữ Hán”. Tôi đồng ý một phần với bài viết này: Trong trường trung học cần dạy từ Hán-Việt nhưng không cần dạy chữ Hán. Người Hàn, người Nhật dạy chữ Hán cho HSTH là cần thiết nhưng người Việt thì không vì chữ Việt không giống chữ Hàn hay chữ Nhật. Hangul là chữ viết của người Hàn, cũng là thứ chữ ghi âm. Cũng như tiếng Việt, rất nhiều từ tiếng Hàn có gốc Hán. Tiếng Hán có 4 thanh còn tiếng Hàn không có thanh điệu nên những từ cùng vần khác thanh khi nhập vào tiếng Hàn sẽ thành những từ đồng âm, dẫn tới nhiều hiện tượng mơ hồ trên mặt chữ. Khi cần chính xác, trong những văn bản khoa học người ta thường chua thêm chữ Hán sau những cụm từ quan trọng. TS Trần Văn Tiếng nêu ví dụ: Trong tiếng Hàn, có nhiều từ phát âm là sung nên công ty Samsung khi viết từ này đã phải chua chữ Hán tinh vào cuối để người đọc hiểu rằng Samsung là tam tinh. Logo của Samsung là ba ngôi sao. Không biết những chữ Hán cơ bản thì chính người Hàn cũng không đọc hiểu được chữ Hàn nên học sinh Hàn cần học tiếng Hán. Còn người Việt không biết chữ Hán vẫn có thể đọc thông thạo chữ Việt dù không hiểu một số từ nào đó. Hiện nay nhiều người dùng sai từ Hán-Việt vì không hiểu nghĩa của chúng chứ không phải vì không biết chữ Hán. Chúng ta chỉ cần biết nghĩa chứ không cần biết mặt chữ Hán của những từ Hán-Việt (từ Việt gốc Hán). Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, trong tiếng Việt có khoảng 60% - 70% từ gốc Hán. Có học 1000 chữ Hán thì vẫn còn dăm nghìn chữ chưa biết. Hiểu nghĩa của một từ Hán-Việt dễ dàng hơn rất nhiều so với công sức bỏ ra để nhớ mặt chữ, hiểu nghĩa và viết nó (sao cho không như gà bới). Thời gian bỏ ra để học 1.000 chữ Hán ít nhất có thể dùng để học 5 000 từ Hán-Việt. Chương trình học hiện nay vốn đã nặng nề, dạy thêm chữ Hán lại càng thêm nặng nề. Hơn nữa, biết mặt chữ Hán không phải là điều kiện cần để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, để học sinh hiểu sâu sắc hơn tiếng Việt, chỉ cần dạy từ Hán-Việt. Chúng ta dạy những gì? Hãy dạy những gì để người Việt không mắc những lỗi do thiếu hiểu biết về từ Hán-Việt. 3.1 Dạy những từ cơ bản, thường dùng trong đời sống và những từ có trong sách giáo khoa trung học. 3.2 Hiện tượng đồng âm giữa yếu tố Hán-Việt với yếu tố thuần Việt thường dẫn tới hiểu lầm nghĩa. Cần đặc biệt chú ý dạy nghĩa của lớp từ này. Ví dụ: Yếu, cứu vừa là từ Hán-Việt vừa là từ thuần Việt. Ấy vậy nên “yếu nhân” hiểu lầm là người yếu, còn “yếu điểm” là điểm yếu, nhược điểm, “cứu cánh” được hiểu là cứu vớt, cứu giúp. Từ Hán-Việt “yếu” có nghĩa là “quan trọng” (nghĩa này có trong chính yếu, cơ yếu, cần yếu, trích yếu, kỷ yếu, thiết yếu, yếu địa, yếu lĩnh, cốt yếu, thứ yếu…). Còn “cứu cánh” là “mục đích cuối cùng” Có rất nhiều từ gần âm, do không hiểu nghĩa nên dễ dùng chệch sang một từ gần âm khác quen dùng: nhậm chức ® nhận chức, kiểm sát ® kiểm soát, tinh tuý ® tinh tú, ưu đãi ® chiêu đãi, huy hiệu ® danh hiệu, tham quan → thăm quan (Hàng ngày, chàng đội lốt gấu, đi đi lại lại, làm một số trò cho khách thăm quan”. (Báo, số 25, tháng 3.99). 3.3 Đặc biệt cần lưu ý những hiện tượng liên quan tới trật tự từ. 3.3.1 Không thấy tầm quan trọng của trật tự các yếu tố trong từ Hán-Việt, nên có những cách hiểu mơ hồ, lầm lẫn ở nhiều người, kể cả những người cầm bút: nhân văn / văn nhân, nhân tình / tình nhân, thân nhân/ nhân thân, chính quốc / quốc chính, công nhân/nhân công (“Sáu đối tượng bị bắt tại chỗ trong số gần cả trăm nhân công tháo chạy tán loạn” (Báo, 16.12.03). Nhân công là “sức người” sao lại có thể tháo chạy được? quốc đảo/đảo quốc (“Philippin, Inđônêxia là hai quốc đảo” Lẽ ra “…là hai đảo quốc”); Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, năm 1992, ghi rằng chứng nhân / nhân chứng đều là “người làm chứng”. Thật ra chỉ chứng nhân mới là người làm chứng, (thường cho những sự kiện lớn, “những chứng nhân lịch sử”), còn nhân chứng là chứng cứ của người (làm chứng). Hầu như hiện nay mọi người đều dùng “nhân chứng” để chỉ “người làm chứng”. Phải chăng vì sai lâu rồi nên nay đã thành đúng? 3.3.2 Khi nhập vào tiếng Việt, nhiều từ Hán-Việt được hiểu theo lối dùng thuần Việt dẫn tới khác trật tự tiếng Hán gốc. Ví dụ: Nếu như tiếng Việt là thời tiền sử (thời kì chưa có sử), tiền khởi nghĩa (trước khởi nghĩa), tiền tư bản (trước chủ nghĩa tư bản) thì tiếng Hán là sử tiền, khởi nghĩa chi tiền, tư bản chủ nghĩa dĩ tiền. Từ đây cần đặc biệt quan tâm tới những hiện tượng chuyển nghĩa, biến đổi của từ Hán-Việt. Chẳng hạn, từ những cách hiểu “dân gian”, nhiều từ Hán Việt biến đổi theo một cái lí nào đó và nay được được coi là chuẩn: chúng cư ® chung cư, trú sở ® trụ sở, thống kế ® thống kê, …(hàng loạt từ có yếu tố kế chỉ công cụ đo đạc: điện kế, nhiệt kế, áp kế, vol kế, lực kế...) Nhà cao tầng, hươu cao cổ là những từ thuần Việt, nhưng cách cấu tạo lại phỏng theo trật tự Hán Việt: cao ốc, cao lâu (nhà có gác cao), cao đường (nhà lớn) 3.4 Cần dạy những thành ngữ, tục ngữ cơ bản gốc Hán, vì có quá nhiều người hiểu chúng rất lơ mơ: an nhiên tự tại (thư thái, không có điều gì lo phiền), bách bộ xuyên dương ([Dưỡng Do Cơ thời Chiến Quốc có tài bắn cung] cách trăm bước vẫn trăm phát trăm trúng lá liễu được chọn), bách niên giai lão (trăm tuổi đều già = lời chúc sống trọn đời bên nhau), ý tại ngôn ngoại (lời bên ngoài còn ý ở bên trong) , xập xí xập ngầu ( đọc theo âm Quảng Đông của thành ngữ Hán thập tứ thập ngũ = lèm nhèm trong tính toán, bớt xén của người khác), vô kế khả thi (không cách gì giải quyết), ưu thời mẫn thế (ưu = lo, mẫn = thương xót, lo lắng đau lòng trước sự đời và thời cuộc), trầm tư mặc tưởng (trầm = chìm, mặc = im lặng, lặng lẽ tập trung suy nghĩ), tam bành lục tặc (tam bành = ba thần Bành Kiêu, Bành Cứ, Bành Chất chuyên sui khiến con người làm những việc sằng bậy, lục tặc = 6 điều làm người ta sa ngã, tu hành không đắc đạo: sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp), nhất tự thiên kim (một chữ đáng ngàn vàng = văn chương tuyệt hay)… Dạy từ Hán-Việt thế nào? 4.1 Dạy các tự và cách kết hợp chúng thành từ. Căn cứ theo mặt chữ mà chia mỗi tự (chữ) thành các nhóm nghĩa. Dạy nghĩa thông qua những ví dụ. Tùy theo trình độ, khi dạy cố gắng liên hệ với nghĩa của những từ thuần Việt. Chẳng hạn: Có 4 từ quy. 1) về, trở về: quy tiên (về với ông bà ông vải, về chín suối) , quy hàng, hồi quy, đồng quy, quy nạp, quy kết, quy ra vàng, quy về một mối…2) phép tắc, hoạch định: quy cách, quy chế, quy luật, quy phạm, nội quy, phạm quy, quy hoạch, quy định…3) rùa: thần Kim quy, 4) theo: quy y, quy Phật, quy tăng, tam quy… 4.2 Dạy từ Hán-Việt, nhất là dạy những từ quen dùng, nếu chú ý tới nguồn gốc, gắn nghĩa đen với nghĩa bóng trong quá trình hình thành ý nghĩa sẽ gây hứng thú và giúp học sinh nhớ lâu. Ví dụ 1: Trong từ cổ đông, từ cổ – một phần vốn trong số vốn được tập hợp lại, còn đông – người chủ. (Thời xưa, người Trung Hoa có phong tục khi tiếp khách thì chủ ngồi phía đông, khách ngồi phía tây. Người thuê nhà gọi người chủ là đông gia.) Như vậy: cổ đông – pháp nhân là chủ sở hữu một số cổ phiếu. Ví dụ 2: Trong từ tục huyền, từ tục – nối tiếp, huyền – dây đàn. Vậy nghĩa đen của tục huyền là “nối lại dây đàn”. Có sự liên tưởng: Cuộc đời người đàn ông bị gián đoạn (vợ chết) tựa như dây đàn bị đứt, việc lấy vợ một lần nữa tựa như “nối lại dây đàn”. Do vậy theo cách ẩn dụ, tục huyền nghĩa là người đàn ông sau khi vợ mất đi lấy vợ khác. 5. Những công việc cấp thiết cần làm: 1) Nếu coi việc giảng dạy từ Hán-Việt là quan trọng và cấp thiết thì Bộ Giáo dục không nên xây dựng những chương trình, những dự án cấp “quốc gia”, cấp “nhà nước” với những “hội đồng” này nọ đứng đầu là các nhà quản lí, theo kinh nghiệm sẽ lãng phí rất nhiều tiền của và thời gian mà chất lượng sẽ không bằng dăm ba chuyên gia thực thụ soạn thảo đề cương rồi tổ chức cuộc thi viết sách dạy từ Hán-Việt cấp trung học. Như vậy, sẽ có bộ sách giáo khoa tốt dạy kèm theo chương trình ngữ văn. 2) Chỉnh lí, bổ sung những từ điển công cụ đã có về từ Hán Việt và viết thêm những sách mới. tư liệu: - Lê Xuân Thại có nhiều bài về tìm hiểu những từ Hán-Việt cụ thể. (NGÔN NGữ, 2009, 2010) từ nguyên vừa phải: vu quy, chỉ cần biết chữ quy quy: về → thu gọn: qui về một mối, vun lại, gộp lại. cải tà qui chính, Nhiều từ Hán-Việt có nghĩa khác đi so với nghĩa gốc: bức xúc, lí sự (NN,12.09) Rất khó về từ nguyên: chuẩn bị (Bài này đăng trong báo Tuổi Trẻ 7/2010, ở mục Tiếng nước tôi) |
Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , , email truongsonh7@yahoo.com