Tiếng nước tôi: cái bụng chứa… tinh thần GS TS Nguyễn Đức Dân về trang chủ1. Đọc đề báo này chắc có bạn nghĩ bụng lại chuyện gì nữa đây? Nếu trong bụng còn nửa tin nửa ngờ xin bạn cũng đừng nóng lòng, sốt ruột, hãy bền lòng đọc tiếp và trước hết trả lời câu hỏi sau: Xin bạn vui lòng cho biết có thể tìm được những từ tiếng Anh, Pháp, Nga… chỉ bộ phận cơ thể con người ứng với “bụng”, “lòng”, “ruột”… của tiếng Việt để dịch những từ ngữ viết nghiêng trên đây được không? Tôi nghĩ là không. Nếu bạn tìm được những trường hợp như vậy, xin đừng giữ trong bụng. Hãy nói ra, tôi sẵn lòng và hài lòng lắng nghe, vì tin rằng bạn không có bụng dạ gì. Nếu bạn đúng, dù hơi phiền lòng nhưng vì tôn trọng chân lí nên tôi buộc lòng chấp nhận và ghi lòng tạc dạ những điều tôi chưa hiểu thấu đáo. Với những điều chưa thỏa đáng, tôi xin được nói lại, mong bạn đừng mếch lòng và cũng đừng để bụng làm gì. Vậy thì tôi cứ viết miễn sao các bạn ưng cái bụng là tốt lắm rồi. 2. Phần lớn cách dùng từ lòng trong tiếng Việt theo nghĩa bóng lại chuyển thành từ tim trong tiếng Anh, Pháp hoặc Nga… Vì sao vậy? Lí thuyết ẩn dụ trong ngôn ngữ học hiện đại cho rằng, con người là một vật chứa và thể hiện sự trải nghiệm thế giới vào ngôn ngữ. Tiếng Việt là một trường hợp điển hình. Với người Việt, cái bụng là vật chứa tiêu biểu, nó chứa đựng và thể hiện những gì thuộc phạm trù tinh thần. Một chứng cứ là trong kho giai thoại Việt từng có người cởi trần nằm ngoài nắng để “phơi sách” – phơi chữ trong bụng. Những người lắm chữ nghĩa được coi là đầy một bụng sách. Mới rồi Nguyễn Quang Sáng viết “Đúng là quên nhiều… Nhưng viết lại khác, cái gì mình muốn viết nó nằm trong bụng rồi, chỉ cần khui ra thôi” (TT, 13.01.2010). Trong tiếng Việt, bụng và những bộ phận của cái bụng lòng, dạ, gan, ruột,…trở thành biểu tượng cho phạm trù tinh thần. Chúng là một công cụ biểu hiện tư duy, tâm lí, tình cảm, ý chí, sức chịu đựng. Trong tiếng nói nhiều dân tộc khác, người ta dùng từ “tim” để biểu hiện điều này. Người Việt nói “học thuộc lòng bài thơ” thì người Anh lại nói “học thuộc bài thơ bằng trái tim”. Không nhiều ẩn dụ được người Anh thể hiện qua các từ ngực, lồng ngực, tụy, đại tràng, ruột (He busted a gut laughing, nó cười đau cả ruột). Trong tiếng Việt cũng xuất hiện không ít từ tâm , tim với ý nghĩa biểu trưng (khẩu phật, tâm xà, một túp lều tranh hai trái tim vàng, hiến dâng con tim và khối óc cho Tổ Quốc…). Tâm là một từ Hán Việt. Theo Nguyễn Đức Tồn cách dùng từ tim theo nghĩa bóng có lẽ được du nhập từ các nền văn hóa khác trong mấy thế kỉ gần đây. 3. Cùng biểu thị phạm trù tinh thần, nhưng mỗi bộ phận lòng, dạ, ruột , gan… lại nhấn mạnh một mặt nào đấy. Nhìn một người theo bề ngoài, thấy mặt nhưng không thể thấy lòng, dạ, ruột, gan… nên những từ này có một điểm chung là biểu thị những trạng thái tinh thần thầm kín. Cũng vì vậy, có hàng loạt các từ ghép các yếu tố này: gan dạ, lòng dạ, bụng dạ, ruột gan…Các thày giáo thì bụng dạ cũng đại khái như thế (Tô Hoài); “Lại một lần nữa, ruột gan cô Thúy không kìm được sự hồi hộp”(Ngô Tất Tố). Từ dạ có khả năng diễn đạt những mức độ của trạng thái tinh thần: chột dạ, nhẹ dạ, vững dạ, … “mạ thằng Tư Hiền ngẫm thấy mình quá nhẹ dạ cả tin” (Xuân Thiều); “Năm mười ba tuổi, tôi xin ra khỏi nhà trường. Tôi thấy rằng dù còn trẻ người non dạ thì tôi cũng đã đủ tư cách kiếm lấy mà ăn” (Vũ Trọng Phụng) Từ lòng được dùng rộng rãi nhất, biểu hiện được tất cả những cung bậc tình cảm con người. Thể hiện tình cảm mong muốn, khát khao của thời thanh niên sôi nổi chúng ta hát: “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/Bàn tay son sắt dâng cao ngọn cờ” Khi vui sướng, người ta mở cờ trong bụng. Được khen, dù biết đó chỉ là những lời nói lấy lòng ta thường vẫn hởi lòng hởi dạ, mát lòng mát dạ, nở từng khúc ruột. Lúc yêu thương, say mê bạn khác giới là ta đã phải lòng họ rồi. “Không gian quanh Mây tạo nên sự quyến rũ đến cháy lòng một cuộc sống yên tĩnh và ấm áp...” (Trầm Hương) Khi buồn thương chỉ nghe tiếng cuốc kêu là lòng buồn tái tê, lòng đau như cắt. Trước cảnh bất hạnh, “Vân thấy mủi lòng, nước mắt bỗng nhiên ứa lên cổ khiến chàng nghẹn ngào thương xót.” (Thạch Lam) “Dưới ánh đèn vàng vọt mờ từ cánh cửa của chung cư, khuôn mặt gầy khắc khổ của Định như dài thêm ra. Tôi bỗng chạnh lòng” (Trầm Hương). Lúc lo lắng, bồn chồn đợi chờ thì lòng như lửa đốt. Tin dữ làm ta sợ mất mật. Lúc khó chịu, không bằng lòng thì cãi lại. Tức giận nhau vẫn có thể bằng mặt đấy nhưng chẳng bằng lòng. Chuyện mẹ chồng nàng dâu, dì ghẻ con chồng thường do khác máu tanh lòng. Bụng, dạ nhấn mạnh tới những điều thầm kín trong tâm tư: ghi lòng tạc dạ, thậm chí sống để dạ, chết mang đi. Bụng còn để tư duy. Khi suy xét, đánh giá một điều gì đó nhưng không nói ra là bạn nghĩ bụng. Có ý định làm một việc gì đó là ta đã định bụng. Tự nhủ mình là bụng bảo dạ, tự làm mình hoảng sợ là bụng nát dạ. Trong tế lễ ma chay nhiều người tin rằng cõi dương sao thì cõi âm vậy ấy là đã suy bụng ta ra bụng…thần. Dạ còn chỉ khả năng ghi nhận. Học hành mau hiểu, mau nhớ là sáng dạ. Người tối dạ thì ngược lại. Từ ruột, ruột gan nhấn mạnh tới sự chịu đựng về tình cảm. “Cao thấp nát gan con sóng lượn, Ngạt ngào đứt ruột tiếng chim kêu”(Hồ Biểu Chánh) Khi lo lắng, ruột gan rối như tơ vò. Con hư thì bố mẹ đứt từng khúc ruột. Bị chọc quê đau, ta có thể ứa gan lộn ruột, buốt ruột buốt gan. Nhiều khi tức đến “tím gan, tím ruột với trời xanh” (Nguyễn Khuyến). “Thảm cho em vì muốn báo thù cho mẹ mà phải hư thân, thiệt qua nghĩ đến việc ấy chừng nào, qua càng nát gan đứt ruột chừng nấy.”(Hồ Biểu Chánh); “Khê Trung hầu thấy Lương ngự sử quá nóng, (nên) nói dịu tuy hầu cũng đang thâm gan tím ruột” (Nguyễn Huy Tưởng) Gan nhấn mạnh tới ý chí mạnh mẽ, bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn, hiểm nguy. Đó là gan con cóc tía dẫn đàn súc vật lên kiện trời đòi mưa. Người non gan thường không làm được việc lớn. Họ “không có gan chạy trốn đến tận cùng bằng tự sát (Chu Lai). Có chí làm quan, có gan làm giầu. Những người cả gan là những người liều lĩnh, dám làm những việc động trời khác người: “Thuở nay người giàu sang thường kiếm con nhà giàu sang mà cưới, chớ có ai cả gan dám tính cưới con nhà nghèo hèn bao giờ (Hồ Biểu Chánh). Giới nữ thường mềm yếu, hiếm thấy những ai như trong Bão biển của Chu văn: “Nó đánh cán bộ mình mà một con đàn bà trời giáng mặt sứa gan lim, hỏi cung hai lần, nó nhất định không khai”. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài nhiều lần dùng từ gan biểu trưng cho ý chí: “Các cậu này to gan, liều quá”; “Vẻ thản nhiên trơ gan cùng tuế nguyệt của cảnh vật gợi một nỗi buồn thê lương”; “Cô nào kiên gan lắm cũng chỉ đi dạy, đứng bán mậu dịch bách hoá được ít lâu rồi bỏ về”; “Mấy tên lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một.”… |
Nội dung trang WEB liên hệ GS TS Nguyễn Đức Dân , Điện thoại 0919420274
Kỹ thuật -trình bày liên hệ 0989091203 , , email truongsonh7@yahoo.com