Những các[1]

về trang chủ

                                                                                                Nguyễn Đức Dân

1.      Các nhà Việt ngữ học đã bàn nhiều về hai từ “các” và “những”theo những quan điểm khác nhau. Đó là Lê Văn Lý (1948), Trần Trọng Kim (1950), Phan Khôi (1955), Hoàng Tuệ (1962), Trương Văn Chình (1963), Nguyễn Kim Thản (1963), Nguyễn Tài Cẩn (1975), Phan Ngọc (1983), Đinh Văn Đức (1983),Cao Xuân Hạo (1992), Nguyễn Phú Phong (1996), Diệp Quang Ban (2005), … Trong [8]Bùi Mạnh Hùng đã giới thiệu khá kỹ những quan điểm này. Theo đó, “Nguyễn Tài Cẩn là người miêu tả cặn kẽ nhất ngữ nghĩa và cương vị ngữ pháp của những và các và có những nhận xét có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với giới ngữ pháp tiếng Việt.”

            Trong TĐTV của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê (chủ biên) [9] có nhắc tới cách dùng phụ trước danh từ của “các” và “những”: “Các” là “từ dùng để chỉ số lượng nhiều được xác định, gồm tất cả các sự vật được nói đến” [9:114], như “Các nước Đông Dương”. “những” là “từ dùng để chỉ một số lượng nhiều, không xác định” [9:722], như “những trang giấy dày đặc con số”.

Nguyễn Tài Cẩn cho những và các là quán từ [2: 240 - 281]. Thế nhưng theo ông đó không phải là những quán từ phân biệt tính[± xác định] của danh ngữ theo cách hiểu thông thường. Ông cho biết những “không phải là một từ hoàn toàn phiếm định như người ta tưởng, mà trái lại, đó chính là một từ đáng được xếp vào ngay bên cạnh “các” với tư cách là một quán từ xác định, chính xác. Và như thế có nghĩa là trong tiếng Việt sẽ không còn sự đối lập xác định / phiếm định như xưa nay người ta miêu tả nữa” [2: 270].Vì thế ông đề nghị một sự phân biệt khác thay cho [± xác định] là sự phân biệt [± thiết định chính xác]. Các dùng “để đặt danh từ vào trong thế thiết định chính xác […] nêu lên một tập hợp sự vật, nêu một cách trọn vẹn không bỏ sót, nêu mà không hề có một ý nghĩ đem tập hợp đó đối lập với một tập hợp nào khác” [2:270]. Còn những dùng để đặt danh từ vào trong thế thiết định không chính xác.Lúc đó “danh từ không nêu lên một tập hợp sự vật với bản thân tập hợp sự vật đó nữa, mà nêu là để đối chiếu với một tập hợp khác – tập hợp còn lại – sau khi đã tách nó ra khỏi tập hợp lớn hơn.”[2:271]Tác giả đưa ví dụ: Các em nàng! Những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá! (Thạch Lam) và phân tích: Lúc đầu phải dùng ”các” là vì lúc nàng nhớ đến em, nhắc đến em thì nàng nhớ đến tất cả, không trừ một em nào, và nàng cũng chỉ nghĩ đến các em nàng thôi. Nhưng khi nàng bắt đầu đánh giá chúng, thì nàng phải đặt chúng vào trong cả loại em, cả hàng em nói chung, so sánh đối chiếu chúng với em người ta. Do đó đến đây lại phải nói “những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá!” chứ không thể nói các [2: 270 – 272].

2.         Quan sát những câu sau:

(1)         Tôi đã thông báo với các (/*những[2]) bạn về chủ đề của cuộc hội thảo. Những (/*các) ai chưa rõ điểm nào có thể hỏi tiếp. Những/Các bạn nào muốn tham gia thì gửi bài cho ban tổ chức nhưng các (/*những) bạn nhớ là báo cáo không dài quá 2000 chữ.

Trong truyện ngắn Ông bình vôi, Phan Khôi nhắc lại câu thơ của Lê Đạt:

(2)   Có những (/*các) người sống lâu trăm tuổi (Y như một cái bình vôi /Càng sống càng tồi /Càng sống càng bé lại.)

(3)   Ai trong các (/*những) em đã vẽ bậy lên tường?

(4)   Vợ chồng ngâu anh ơi, chỉ những (/*các) đi là đi, có mấy lúc được ở nhà. (Người gặp hàng ngày, Nguyễn Khải)

(5)   Anh trở về thành phố lúc này đã bị chiếm đóng với tâm trạng chán ngán tới cực điểm, những (/*các)tưởng cách mạng về, cách mạng mãi mài tồn tại ai dè bọn Pháp quay trở lại, những đơn vị vũ trang cách mạng còn non yếu phải rút ra ngoài để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài. (Người  lính mặc thường phục, Mai Ngữ, 214, nxb Hà Nội, 1981)

(6)   Những (/*các) là đắp nhớ đổi sầu (Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm.) (Truyện Kiều)

 

            Xét về vị trí, ở 3 câu đầu “các”“những”đều có thể đứng trước danh từ. Trong ba câu (4) – (6) từ “những”có thể đứng trước vị từ, trước hệ từ còn “các”thì không.Từ những câu này, chúng ta thấy sự khác biệt đầu tiên giữa “các”“những”.Trong các câu (4) – (6), nhữngtừ hư dùng biểu hiện hành vi đánh giá [+NHIỀU](x.[3]) còn “các” thì không cho nên ở những trường hợp này không thể thay thế “những” bằngcác”.            Trong những ví dụ dưới đây từ“những”cũng đều biểu hiện hành vi đánh giá [+NHIỀU]:

(7)               Ngoài đường, những (/*các) người là người.

(8)               Những (/*các) mấy trăm người đi biểu tình.

(9)               Trời lạnh quá, những (/*các) 7 độ. Trời nóng quá, những (/*các) 38 độ.

(10)     Nuôi con những (/*các) ước về sau(Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi.) (Truyện Kiều)

(11)     Ngon là ngon như vậy, chứ còn đòi ngon những (/*các) thế nào? (CLV, Những ngày nổi giận,103)

(12)     Mà có những (/*các) thế thôi đâu! (Đôi mắt, NC)

(13)     Tất cả những (/*các) cái con người bạc ác ấy. (NTC)

         Trong câu (13) “những”có thể đứng trước “cái”.Ở đây cáilà một yếu tố nhấn mạnh danh từ đứng ngay sau nó.

  Từ “những”ở những cấu trúc trừu tượng định hướng nghĩa dưới đây, cặp (A,B) tạo thành một phạm trù khái quát có nghĩa “rất nhiều A, B”. Ở trường hợp này cũng không thể thay “những” bằng “các”.

-                        Chẳng những (/*các)không A mà cũng không B

-                         Không những (/*các) chỉ A mà còn cả B

-                        Những (/*các) A là A” » nhiều A tới mức tưởng như chỉ toàn A

-                        Những (/*các) A cùng B, như “Những e cùng thẹn” [9]

 

3.   Vì sao trong câu (1) có những vị trí chỉ có thể chấp nhận một trong hai từ “các”hoặc “những”lại  có những vị trí chấp nhận cả hai? Vì saoở câu (2) chỉ có thể dùng “những” mà không thể dùng “các” còn ở câu (3) chỉ có thể dùng “các”mà không thể dùng “những”?

            Cả ba câu (1) – (3),“các” và “những”đứng trước danh từ,phản ánh điều sau đây: khi dùng “các”hay “những”,người nói đã xác lập một không gian tâm trí[3] có những thuộc tính số lượng là dấu hiệu về những phần tử của tập hợp mà “các”hay “những”đề cập tới.Đó là thuộc tính số lượngcủa cụm từ đứng sau “các”hay “những”.Ở câu (1) có 4 KGTT (từ đây viết tắt KGTT≈không gian tâm trí). Cụm “các bạn” đầu tiên được xác lập trong KGTT(a) “[tôi và] tất cả những người dự cuộc họp”, cụm “những ai” được xác lập trong KGTT(b) “[tôi và] tất cả những người dự cuộc họp còn chưa rõ một điểm nào đó của chủ đề hội thảo”.Số lượng phần tử của KGTT(b) đã thu hẹp lại so với KGTT (a). Cụm “Những/Các bạn nào muốn …” được xác lập trong KGTT(c)“[tôi và] tất cả những người dự cuộc họp muốn tham gia hội thảo”.Số lượng  phần tửcủa KGTT(c) đã thu hẹp lại so với KGTT(a) nhưng khác với KGTT(b)“ [tôi và] những người còn chưa rõ…” KGTT (d) được xác lập trong cụm “các bạn nhớ…” đứng ngay sau từ “nhưng”. Người nói nói với những người trong KGTT (c) muốn tham gia hội thảo, tức là KGTT đã xác định  nên phải dùng từ “các”.

            Ở câu (2) từ “có” cho biết KGTTđã tồn tại.Nó được xác lập là “[chúng ta và]những người sống lâu trăm tuổi”.Ở câu (3) KGTT được xác lập là “[tôi và] tất cả những em trước mặt tôi (mà tôi hỏi)”.

            Như vậy, hai từ “các”“những”có một nét nghĩa chung là đều dùng để chỉ tất cả mọi đối tượng trong một KGTT được đề cập tới.

Điểm khác nhau giữa “các”“những”như sau: 

-         Dùng “các”khi những đối tượng trong KGTTđã xác định.

-         Dùng “những”khi những đối tượng trong KGTTchưa xác định.

            Điều này được thể hiện ở ba câu (1) – (3).Trong câu (1) những người dự cuộc họp là những người đã có mặt tức là đã xác định, nên dùng “các”.Vì người nói chưa biết chắc chắn, tức là chưa xác định được những phần tử của KG“những người còn chưa rõ chủ đề hay thể lệ cuộc hội thảo” nên dùng “những ai chưa rõ”. Vì người nói cũng chưa biết chắc chắnnhững phần tử của KG những người muốn tham gia hội thảo nên dùng “những bạn nào muốn tham gia”. Trong trường hợp này chúng ta chấp nhận thêm cả khả năng dùng “Các bạn nào muốn tham gia…” vì từ nào làm định ngữ cho “bạn” tức là đã xác định hóa “bạn nào” khiến KG “những người muốn tham gia hội thảo” trở nên xác định.(Phần dưới sẽ giải thích rõ hơn điểm này). Ở KGTT (d), người nói dùng từ “các” khi nói với những người trong KGTT (c) muốn tham gia hội thảo, tức là những người đã xác định trong tâm trí mình.

            Trong câu (2), người nói chưa biết tức là chưa xác định được KGTT “người sống lâu trăm tuổi” nhưng chắc chắn KG này tồn tại, từ nêu dấu hiệu của sự tồn tại này, và KG này là một bộ phận của KG mọi người, nên phải dùng từ “những”. Câu (3) có thể coi là lời hỏi của giáo viên hay cán bộ phụ trách đội thiếu niên. Giáo viên biết tất cả những học sinh trong lớp mình dạy, anh/chịphụ trách đội thiếu niên cũng biết tất cả những em trong đội mình.Vì vậy dùng từ “các” mà không dùng từ “những”.

 

4.      Chúng ta nêu giả thuyết:

-         “các”chỉ tất cả những phần tử của một KGTT xác định.

-         “những”chỉ tất cả những phần tử của một KGTT chưa xác định.

            Một tất yếu logic là KG xác định có nội hàm rộng hơn một KG chưa xác định.Từ đây suy ra hệ quả là ngoại diên của “các” hẹp hơn ngoại diên của “những”.Nói cách khác, những được dùng rộng rãi hơn và tần sốcủa “những” sẽ lớn hơn tần số của “các”.Có thể giải thích điều này một cách khác trực quan hơn.Ký hiệu N là tập hợp học sinh”. Khi nói “các N” là chúng ta có một tập hợp các phần tử của N. Có nhiều N khác nhau.Một  khi mở rộng (một cách ngôn ngữ) N bằng cách thêm định ngữ A vào N để thành cụm từ NA chúng ta lại phải nói “những NA” để chỉ một tập hợp mà các phần tử là NA. Đây là một tập hợp bộ phận của N. Có rất nhiều cách mở rộng N tức là chúng ta có rất nhiều cụm từ NAi, nghĩa là có nhiều tập hợp bộ phận NAi của tập hợp N, như học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, học sinh lớp chuyên Anh, học sinh ngoan, học sinh nam, học sinh nữ, học sinh chăm chỉ, học sinh chậm hiểu, học sinh hư, học sinh cứng đầu, học sinh mê chơi gam, học sinh ngủ gật, học sinh trốn học…và do vậy cũng rất nhiều cách nói “những NAi” trong khi chỉ có một cách nói “các N”. Ấy thế là số lượng dùng từ “những” sẽ vượt trội từ “các” rất nhiều.Chúng ta luôn luôn có thể thay thế các tên gọi học sinh giỏi, học sinh lớp chuyên Anh, học sinh nữ, học sinh mê chơi gam…bằng tên gọi học sinh. Điều này có nghĩa là trong tâm trí người Việt thì nghĩa “tất cả” của từ “các” lỏng hơn,  bao trùm nghĩa “tất cả” của từ “những”.Điều này cũng phù hợp với quan sát và lý giải của Bùi Mạnh Hùng: “… những có phạm vi hoạt động rộng hơn các rất nhiều. Những có thể thay thế các trong hầu hết trường hợp,[...] Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tỉ lệ này [tức là tần số của những so với các, NĐD] là 26 / 4”. [8] 

            Về chức năng của từ “những”, theo cách phân tích của Nguyễn Tài Cẩn [2: 270 – 272]thì trong câu “Các em nàng, những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá” lúc đầu dùng “các” vì “nàng nhớ đến tất cả” sau đó nàng đánh giá “thì nàng phải đặt chúng vào trong cả loại em, cả hàng em nói chung, so sánh đối chiếu chúng với em người ta. Do đó đến đây lại phải nói “những… chứ không thể nói “các”. Tôi không nghĩ “những” được dùng để “so sánh đối chiếu”.Cách phân tích này cho thấy ông cho rằng hai tập hợp “các em nàng” và “những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá” là đồng nhất. Tôi đồng ý với Bùi Mạnh Hùng là “ngữ cảnh giúp ta hạn định phạm vi của tập hợp” [8].Câu này trong ngữ cảnhThạch Lam dùng thì đồng nhất nhưng trong trường hợp khái quát thì không. Vì có những tình huống  nếu coi “những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá” chỉ là một danh ngữ thì chúng không hề đồng nhất với “các em nàng”. Thực vậy, câu sau đây cũng chấp nhận được: Các em nàng, những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá thì thành đạt còn những đứa em lãng tử thì cuộc sốnglại bấp bênh.”  Rõ ràng là trong câu này, “những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá” chỉ là một bộ phận của “các em nàng”, bộ phận em nàng còn lại là “những đứa emlãng tử”.Nói cách khác, kiểu câu sau đây chấp nhận  được “Các N! Những NA1 thì x còn những NA2 thì y”.Tức là NA1, NA2chỉ là những bộ phận của N”.

Những danh từ riêng dùng làm ẩn dụ tạo ra KGTT chưa xác định vì những ẩn dụ, những truyền thuyết, những gì trong truyện dân gian, trong dã sử…đều là những KGTT chưa xác định. Trong trường hợp này phải dùng “những”: “Xã hội hiện nay thiếu gì những Lý Thông, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, nhưng cũng không ít những cô Tấm, những Thạch Sanh, Thánh Gióng”.

Do “những”chỉ tất cả những phần tử của một KGTTchưa xác định”nên có thể đặt “những” trước những yếu tố phiếm định ai, gì, nào. Còn “các” thì không. Khi nói “những ai (/gì /nào) X” người nói coi là tập hợp trong cấu trúc này chưa xác định. Như: “Âu đó cũng là cái phải trả cho những (/* các) gì mà ta không tiên liệu”.

(14) Đừng cố gắng nắm giữ những (/*các) gì lẽ ra không còn nữa[Tự hỏi ở tuổi này, người ta còn gì để nắm níu, để thiết tha mà phải dùng tóc giả che giấu đi mái đầu đã xác xơ vì chống chọi cùng căn bệnh hiểm?] (TT, 19.8.2007)

(15) Những(/*các) ai đã từng gặp ông [đều có ấn tượng đó là một con người nhân hậu]”

(16)Họ nói những (/* các) gì ấy [tôi nghe không rõ.]” 

(17)   Em đi những (/*các) đâu, em gặp những (/*các) ai, em làm những (/*các) gì, anh không cần biết. 

 

5.Những trường hợp vừa có thể dùng “các” vừa có thể dùng “những”

 

5.1. Những gì thấy rõ ngay trước mắt là đã xác định. Do vậy mà “những đối tượng ngay trước mắt” là một điều kiện đủ để thành một không gian xác định. Trong những tình huống như vậy dùng “các”.Điều này giúp chúng ta giải thích được hiện tượng có những danh từ chấp nhận cả hai khả năng dùng “các” và “những” đứng trước nó để trỏ tất cả. Một nguyên lý nhận thức:Cái gì của mình thì mình biết, cũng tức là đối tượng hoàn toàn xác định. Lúc đó dùng “các”.Cái gì của người khác, mà có vô vàn người khác, thì trong thực tế mình không thể biết và thấy hết được cũng tức là đối tượng chưa xác định.Lúc đó dùng “những”. Một số tình huống:

- Những bộ phận cơ thể người, ai cũng có: ngón tay, sợi tóc,…Do vậy chấp nhận cả hai cách nói: các/những ngón tay, các/những sợi tóc…Nhưng nói: “Trong đống đổ nát ấy, còn vương vãi những bàn tay những ngón tay ngón chân.” Đây là những bàn tay những ngón tay ngón chân của người khác chưa xác định nên dùng các sẽ khó nghe:“Trong đống đổ nát ấy, còn vương vãi *các  bàn tay *các ngón tay ngón chân.”

- Những vật dụng, đồ đạc hàng ngày, ai cũng có, nhà nào cũng có: khăn,áo, mũ, nón, nồi, niêu, chai, lọ, bình, hũ, bát đũa… Chúng ta chấp nhận cả hai cách nói:các/những  chiếc khăn, các/những chiếc nón,…Nhưng chúng ta nói “Đồ đạc nhà tôi toàn là cácthứ rẻ tiền còn trong nhà quan VIP toàn là những đồ xịn”.

- Với những đặc sản một vùng miền là những đối tượng xác định, chúng ta dùng “các”, nhưng có những địa phương khác mà chúng ta chưa biết hết cũng có những sản phẩm cùng loại, cùng tên. Lúc đó dùng “những”. Ví dụ: Nước mắm vùng này rất nổi tiếng vì các nhà sản xuất nước mắm ở đây có bí quyết ủ chượp mà những nhà sản xuất (nước mắm) nơi khác không biết.

- Những hiện tượng thời tiết, khí hậu, những đối tượng thiên nhiên,… vừa có thể là những hiện tượng rất riêng biệt của một vùng mà cũng có thể nhiều nơi khác cũng có. Vì vậy cũng chấp nhận cả hai cách nói: các/những  con sông vùng này, các/những  trận bão nơi đây thường đến muộn  vào cuối tháng mười,…Tuy nhiên những gì đã xác định thì vẫn thường dùng các: “Các (/*Những) trận bão năm rồi (ở miền Nam) đều không quá cấp 14.”

- Những kiến thức “thiên văn, địa lý”, “bác vật học” cũng do học mà biết mà có, để trở thành cáichữ của mình. Những danh từ gốc nước ngoài, tên đơn vị hành chính, những khái niệm, kiến thức có học mới biết.Mà chữ để trong bụng.(Có truyện dân gian một người cởi trần nằm giữa trời nắng để “phơi sách” trong bụng.)Từ bụng, chữ sẽ bật ra trong những ngữ cảnh thích hợp. Từ đây dẫn tới cách dùng từ “các” để chỉ những địa danh, những khái niệm trừu tượng, những thuật ngữ khoa học, những từ vay mượn, những quy luật, định lý, định luật  tự nhiên và xã hội…có học mới biết, tức là mới xác định.Nhưng biển kiến thức thì mênh mông đủ loại, có hàng loạt những điều con người chưa biết, chưa xác định. Không ai là “thông kim bác cổ.” Ấy thế là người ta lại phải dùng “những” trước hàng loạt điều mình chưa biết.Hệ quả là xảy ra hiện tượng dùng được cả “các” lẫn “những” đứng trước những loại danh từ này, nhưng thiên về dùng “các” trước những đối tượng đã xác định.

Chẳng hạn, “Dim dốc hết cho nàng những kỉ niệm ngầy ngàcủa mình với người đàn ông yêu dấu” (Dạ Ngân);Các cattừng được xem là nóng, tỉ lệ thực hiện vẫn rất thấp”(TT, 25.6.2005) [catmã hàng hóa cho thông tin xuất xứ của hàng hóa, NĐD]; “Việc tuyển CEOcủa doanh nghiệp này ít nhiều gây sự chú ý đối với các nhà head – hunter trên thị trường” (Người Lao Động Online, 01.11.2005);Cắm sừng là nghĩa bóng của từ gốc Pháp la cornette: mũ vải trùm đầu của các bà phước, có chóp nhọn giống như cái sừng…”;“Đây cũng là phương pháp để kéo những tín đồ đã nhạt đạo và phạm tội ác trở lại với Hồi giáo theo quan niệm của Phong trào Hamas.” (TT, 19.8.2007) “Ngay Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng phải đặt vấn đề“GDP chạy đâu hết cả rồi?”[...] Người ta ngạc nhiên về việc trong năm 2012, gần hết các tỉnh thành báo cáo GDP địa phương tăng trên 10%, trong khi con số GDP chính thức của toàn quốc chỉ là trên 5%, tức GDP quốc gia đã bị giảm đến một nửa so với các báo cáo của chính quyền các địa phương.”(nguồn:“Diễn đàn kinh tế mùa thu 9.2013”)

            Quy tắc “những gì thấy ngay trước mắtlà đã xác định” dẫn tới hệ quả là sẽ dùng “các” cho đối tượng lànhững người nghe trực tiếp:Các (/*những) cụ nói gì?;Các (/*những) bà tía lia như vậy chúng tôi không nghe được;  Đối xử với người khác như vậy rồi một ngày kia các (/*những) người sẽ phải hối tiếc;Nhưng mà này, nói vậy nghe thật sướng tai còn thực tế lại khác hẳn,khóa sau các (/*những) ông sẽ lại hứa những (/*?các) lời có cánh như vậy chứgì?

            Những sự kiện xảy ra trong tương lai là chưa xác định bởi lẽ người ta không thể biết được chính xác thời điểm nó xảy ra. Lúc đó dùng “những” thì dễ nghe hơn “các”: Rồi những người đó sẽ thành công;Rồi một ngày kia những người đó sẽ hối tiếc;Rồi những /các ông ấy sẽ lại hứa những (/*?các) lời có cánh.

      Lưu ý: Trong tiếng Việt “ngươi”là cách nói xem thường một người nhìn thấy ngay trước mặt, tức là một người đã xác định. Do vậy chúng ta hỏi:

(17)    “Các (/*Những) ngươi làm gì vậy?”

(18)    “Các (/*Những) ngươi đến đây làm gì?”

 

5.2. Chúng ta dùng “những”cho một KGTTN chưa xác định: “những N”. Vì những từ thay thế này, ấy, đó, nọ , kia …có chức năng cụ thể hóa danh từ(/ngữ)N đứng trước nó nên một khi những từ thay thếđứng ngay sau một N là chúng ta được một KG cụ thể nên xác định. Lúc này tùy theo cách hiểu này, ấy, đó, nọ , kia…là định ngữ của yếu tố nào mà chúng ta dùng “các”hay “những”.Nói “(những N) này”, “(những N) ấy”nhưng lại nói“các (N này)”,“các (N ấy)...Ở cách dùng thứ nhất, từ này làm cho danh ngữ “những N” trở thành xác định.Ở cách dùng thứ hai, chúng ta dùng “các” để nhấn mạnh tới các tập hợp đã xác định “N này”.Do vậy hai cách nói sau đây đều chấp nhận được tùy theo ngữ cảnh “Phần lớn những người ấy đều tốt.”và “Phần lớn các người ấy đều tốt.”

5.3. Dùng này, ấy, đó, nọ , kia…làm định ngữ cho N biểu hiện một KGTTchưa xác định là mở rộng nội hàm của N, cũng tức là thu hẹp ngoại diên của nó theo quy tắc của logic hình thức. Muốn những phần tử của danh ngữ “những N” trở thành xác định thì chúng ta thu hẹp ngoại diên cũng tức là mở rộng nội hàm của N bằng cách xây dựng những định ngữ cho N. Một cách khái quát, khi thêm định ngữ A cho một KGTT N chưa xác định chúng ta đã mở rộng nội hàm của N tức là thu hẹp ngoại diên của nó. Giống những trường hợp dùng này, ấy, đó, nọ , kia làm định ngữ, chúng ta cũng có thể dùng “các”hay “những”đi kèm danh ngữ NA với hai cách hiểu hoàn toàn tương tự: “(những N)A”và“các (NA)”. Vậy “Những điều mà tôi nghe được rất đáng lo ngại” và “Các điều mà tôi nghe được rất đáng lo ngại” thể hiện hai cách nhấn mạnh khác nhau.

            (20) Những(/Các)con chim bay trên trời, những(/các)con cá bơi dưới nước.

(21) Những/(Các)con chim bay trên trời khó bắn trúng. Những/(Các)con chim đậu trên cành dễ bắn trúng.

           

5.4.Những cách dùng “các” không thuận tai

Hai danh ngữ “các N”, “những NA” đều chỉ tất cả những phần tử của một KGTT, còn tínhxác định hay chưa xác định của chúnglà một phân biệt khá mờ do yếu tố A không xuất hiện hay xuất hiện lại là một phân biệt khá tinh tế nên nhiều người chưa chú ý tới điều này. Mà nghĩa tất cả của từ “các” lỏng hơn của từ “những”, nên một khi khôngmuốn nhấn mạnh tới nét nghĩa “tất cả” người viết dễ có khuynh hướng dùng “các” ở những kết cấu có yếu tố A làm định ngữ cho danh từ N, nơi lẽ ra phải dùng “những”.Kết quả là tạo ra những cách nói không thuận tai. Hệ quả của điều này là ở những danh ngữ chấp nhận cả hai khả năng dùng “những” và “các” như trên đây thì dùng “những” thườngnghe thuận  tai hơn còn “các” sẽ khó nghe. Trong những câu dưới đây đãxuất hiện yếu tố A kèm theo N làm định ngữvì vậy nên dùng “những” chứ không nên dùng “các”:

(23) Xin giới thiệu chùm ảnhnóngdo các (/*những) cộng tác viên của VietNamNet vừa chuyển về từ Lào Cai. (ViệtNamNet ngày 15.4.2007)] (A = của VietNamNet)

(24)Các cán bộ trên đã cấu kết với nhau đưa vào danh sách tái định cư nhiều hộ không đủ tiêu chuẩn để chiếm hưởng quỹ đất dùng cho tái định cư. (TT,15.3.2007) (A = trên)

(25)Nhưng hãy coi chừng, Roy Kean – cựu học trò của ngài Ferguson – vốn rất rành các (/*những) chiêu trò của ông thầy cũ. (SGGP, 29.8.2007) (A = của ông thầy cũ)

(26)Các chuyên gia về thời tiết nói nạn lụt và trượt đất sẽ đe doạ hầu hết 20 tỉnh của nước này trong mùa mưa từ tháng 11-2002 đến 3-2003. (TT, 02.01.03) (A= về thời tiết)

(27)Hẳn chỉ một mình tôi biết tin ấy, chứ các báo khác có phóng viên ở Lào Cai đâu? (NCH, TNCL I) (A= khác)

(28) Ông (» tổng thống B. Obama, NĐD) đề tặng cuốn sách Sự táo bạo của hi vọng cho mẹ và bà ngoại Madelyn Dunham “là các phụ nữ đã nuôi dạy tôi nên người.” (TTCT, 08.06.2008) (A= đã nuôi dạy tôi nên người)

(29)Những (/*các)hồn nhiên được tập hợp (tít báo, NDCN, 29.12.1991)

(30)          Bác sĩ cũng bó tay vì không thể kiêm luôn các chuyện như thế được! (TT, 20.11.2007) (A= như thế)

(31)      Các nhà nghiên cứu tại Đại học South California (Mỹ) đã chứng minh mũi cá mập sử dụng “mùi nổi” (kiểu như “âm thanh nổi”) để dò tìm những chênh lệch thời gian – không hơn nửa giây – mà mùi đạt đến lỗ mũi này so với lỗ mũi kia của chúng. (TT, 12.6.2010) (A= tại Đại học South California (Mỹ))

         Lưu ý: Trong tiếng Việt,cónhững từ nói lên sự tồn tại của đối tượngnhưng chưa xác định. Đó là những động từ xuất hiện, hiện ra…, là những từ có, một trỏ sự tồn tại, là những trạng ngữ vị trí.“Ngày xửa ngày xưa  hai vợ chồng ông lão đánh cá…”; Tháng 2 năm Bính Tý (1396), một hôm khi Từ Thức đến thăm chùa có nhìn thấy một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mười bảy”;Khi xuất hiện những từ nàyliên quan đến một đối tượng thì dùng “những”. Dùng “các” khó nghe.Ví dụ: Có những (/*các) đêm về sáng, đợi chờ nhau dưới mưa; Có những(/*các) bài ca không bao giờ quên;Đồ ngu!- tôi nói- Thôi phóng đi. Có những (/*các) người đến lạ! Tôi còn muốn mắng cho hắn một trận đích đáng nữa. (Giamilia, 95); Những/?các chấm đen hiện ra ở phía chân trời…

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Diệp Quang Ban, 2005. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo Dục, Hà Nội:

2.      Nguyễn Tài Cẩn, 1975. Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

3.      Nguyễn Đức Dân, 1984, Ngữ nghĩa các từ hư –định hướng nghĩa của từ, Ngôn ngữ, số 2

4.      Nguyễn Đức Dân, 2016, Logic ngữ nghĩa các từ hư, nxb Trẻ, TP HCM

5.      J. Fauconnier, 1995, Mental Spaces: Aspects of Meaning Construction in Natural Language, CUP

6.      J. Fauconnier,1997, Mappings in Thought and Language, CUP

7.      Cao Xuân Hạo, 1991. Tiếng Việt – sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

8.      Bùi Mạnh Hùng, 2000, Về một số đặc trưng ngữ nghĩa - ngữ pháp của “những” và “các”.  Ngôn ngữ, số 3

9.      Hoàng Phê (chủ biên), 1996, Từ điển tiếng Việt , Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội

10.  Nguyễn Kim Thản, 1963, 1964,Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo Dục,tập 1 và tập 2, Hà Nội

 

 

 

NHỮNG và CÁC

 

Tóm tắt

Từ khóa: không gian tâm trí; tập hợp xác định; tập hợp không xác định

                  Bài nàydùng khái niệm không gian tâm trí (mental spaces) của J. Fauconnier để khảo sát những hiện tượng ngữ pháp của hai từ CÁC và NHỮNG trong tiếng Việt.

                  Theo tác giả, hai từ này đều chỉ tất cả các phần tử của một không gian tâm trí (từ đây:KGTT) được đề cập tới, nhưng “các” được dùng trong một KGTT xác định còn “những” được dùng trong một KGTT chưa xác định. Hai dấu hiệu quan trọng nhận biết loại KGTTxác định là:cái gì thấy rõ được là đã xác định, cái gì biết được là đã xác định.Từ“các”không thể đặt trước một danh ngữ chứa yếu tố phiếm định ai, gì, nào…còn “những” thì có thể.Đây là một dấu hiệu nhận biết một KGTT chưa xác định.Từ đó giải thích được những ngữ cảnh chỉ dùng “các”, chỉ dùng “những”, dùng được đồng thời cả hai và những ngữ cảnh nào thì dùng được cả hai nhưng dùng “các” khó nghe hơn.

 

Key words: mental spaces, determined spaces, indetermined spaces

 

ABSTRACT

 

In this paper, I use the concept of ‘mental spaces’ of J. Fauconnier to study the grammatical phenomena of CÁC and NHỮNG in Vietnamese. I argue that both “các” and “những” are used to show all elements of a mental space. While “các” is used in a determined mental space, “những” is used in an undetermined mental space. Two indicators of determined mental spaces are visible and known things. While “các” cannot be put before a noun phrase that contains indifferent elements such as ai, gì, nào…, it is possible to do so with “những”. This is a signal to recognize an undetermined mental space. This allows us to understand contexts where only “các” should be used, contexts where only “những” should be used, contexts where either word can be used, and contexts where either word can be used but “các” is less natural.

 



[1]Đây là bài báo đã xếp vào khuôn tạp chí Ngôn ngữ số 1.2020. Do trục trặc kỹ thuật rất Việt Nam nên tạp chí này đã (tạm thời) bị đình bản. NĐD

[2]Dấu hoa thị * đặt trước những từ được coi là dùng không chuẩn.

[3]Không gian tâm trí (mental spaces). Hai quyển [5] và [6] là những tài liệu đầu tiên đã trình bày rất kỹ khái niệm này,