Loại từ CON và CÁI
GS TS Nguyễn Đức Dân
về trang chủ
Trong quá trình phát
triển nhận thức, người Việt rất chú ý phân
loại các đối tượng trong thế giới tự
nhiên và cấp cho những đối tượng giống
nhau tên gọi chỉ loại của chúng. Trong
tiếng Việt có những danh từ trỏ loại
mà giới ngữ học gọi là loại từ (classifier).
Trong các cách nói dưới đây, các danh từ cây, con, cục, cái là loại từ:
- Cây đa trăm tuổi, cây bàng mùa đông
- Con mèo mướp, 101 con chó đốm,
- Cục đất, cục gạch
- Cái nhà, cái ao, cái bàn, cái bút …. “Oẳn tù tì ra cái gì? Ra cái này”
Loại từ “cây” trỏ danh từ giới thảo mộc. Loại từ “con” trỏ danh từ giới động vật. Loại từ cục, hòn trỏ danh từ là những khối vật rắn không lớn quá như sỏi, đất, đá…Loại từ tiếng Việt chính là sự phân loại thế giới khách quan thành những tập hợp theo nhận thức của người Việt. Những tập hợp này có thể giao nhau. Nghĩa là có những đối tượng được gọi bằng loại từ này nhưng cũng có thể gọi bằng những loại từ khác. Nói nắm xôi, cục xôi nhưng lại nói “Phú ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười” (cd). Nói cục đất nhưng cũng nói “Hòn đất mà biết nói năng/Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn” (cd).
Cái là một loại từ đặc biệt, rất đáng chú ý. Nó có thể đi với một danh từ, một động từ, một tính từ để tạo ra một danh từ mới. “Cái ngủ mày ngủ cho sâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…” (cd); “Cái nết đánh chết cái đẹp” (tn). Trong một danh ngữ nó có thể đứng trước một loại từ khác như “cái cây cổ thụ này”; “cái con người bạc ác ấy”
Từ phái sinh: trường hợp của “con” và “cái”
Con – một loại từ chỉ loài vật.
Nghĩa của một từ được phát triển dần dần, kể cả sự phát triển nghĩa của loại từ. Đây là sự mở rộng tập hợp những từ được xếp vào một loại nào đó. Chúng ta minh họa qua sự mở rộng nghĩa của từ con.
Động vật được chia thành hai loại: người và con. Chúng ta là người, còn những động vật khác là con: con voi, con kiến, con giun, con cá, con chim, con hổ….
Loài người từ loài vượn tiến hóa lên và được gọi là con người. Trong sâu xa mỗi người có cả hai đặc điểm, vừa có phần người vừa có phần con. Vì vậy, nhỏ người được kêu là nhỏ con. Lớn người được gọi là to con. Lúc phần người chìm xuống nhưng phần “con” lại nổi lên thì người được gọi là con. “Phim ảnh Ấn Độ nay khỏa thân hơi nhiều. Đó không phải là hiện tượng mới mẻ gì. Song, một phim như Parampar, với một nữ diễn viên thoát y “nguyên con” trong vai người mẫu họa sĩ, quả là một kích thích cho bệnh nhìn trộm” (Shoma A Chatterji, Asia Times, 09.7.2003) (dẫn theo TTCN, 13.7.2003)
“Con” là loại từ chỉ động vật, nhưng chúng ta cũng nói con đường, con thuyền, con sông, con kênh, con xe, con pháo, con thò lò, con súc sắc…Vì sao có những đối tượng vốn được xếp vào những loại từ khác cũng có lúc được gọi là con? Những tên gọi này được hình thành trong quá trình nhận thức (cognition) của người Việt: con vật khác đồ vật ở đặc điểm cơ bản là chuyển động được. Thế là người Việt gọi là con những vật nào mang đặc điểm động (trong chúng hiện ra sự vận động, chuyển động). Trong sông, suối, mương, máng, kênh, rạch có dòng nước chảy gợi ra một đối tượng chuyển động nên chúng được gọi là con. Chúng ta cũng gọi con đường, con hẻm, con phố…vì trong đó có dòng người qua lại không ngừng cũng gợi ra sự chuyển động. Sóng lên cao rồi xuống thấp nên có đầu sóng ngọn gió. Nhưng sóng thì chuyển động, ấy thế là “[Theo những cánh chim bầu trời bao la] /Con sóng đung đưa thuyền ra khơi xa” (Tình em biển cả, Nguyễn Đức Toàn). Thủy triều lên xuống thì nước cũng chuyển động lên xuống. Thế là có con nước.
Người ta còn gọi những vật nào làm ra rồi điều khiển nó chuyển động là con: con xe, con pháo trong bàn cờ tướng, con đò, con quay, con vụ, con lắc, con thò lò, con súc sắc, con tàu vũ trụ... Từ con tốt trong bàn cờ tướng tạo ra ẩn dụ con tốt trong bàn cờ chính trị. Hiện nay xã hội có thêm cả con xe máy, con Honda. Nhưng vì sao không có con container? Câu hỏi thú vị này liên quan tới sự phát triển nghĩa của loại từ con trong thế đối lập với cái.
Trong tiếng Việt, cặp loại từ con/cái đồng âm với cặp con/cái có chức năng tính từ, danh từ. Đây là sự đồng âm ngẫu nhiên hay có lý do? Chúng tôi cho rằng lúc đầu chỉ có một cặp từ cơ bản con/cái. Trải qua quá trình phát triển tiếng Việt mà cặp từ này được tách thành hai nhưng vẫn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nghĩa tính từ, danh từ của con/cái ảnh hưởng tới sự phát triển nghĩa loại từ của chúng.
Nghĩa danh từ của con/cái chỉ quan hệ huyết thống trong thế đối lập mẹ con, bố con. Nghĩa là người sinh ra “con” sẽ được gọi là “cái”. Cái là bố mẹ. “Cái” đối lập với “con”. Người Việt có tục ngữ “Con dại cái mang”.
Con người lấy mình làm trung tâm để nhận thức thế giới. Do vậy có cách đặt tên sự vật, con vật như sau: phỏng tên bộ phận chỉ người làm tên gọi cho những đối tượng nào hoặc vật nào giống mình. Người sinh ra “con” thì động vật cũng sinh ra “con”.
Đứa trẻ mới sinh ra thì nhỏ. Mẹ thì lớn. Cặp đối lập con/cái tương ứng với cặp đối lập nhỏ/lớn. Trong danh xưng Bố Cái đại vương cũng như trong câu ca dao “Em về với cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”, từ cái chỉ bậc mẹ cha. Nhưng do đâu mà từ ghép con cái lại chỉ hạng con cháu? Phải chăng đây là cách nói rút gọn của “con của cái” mà con cái thành nghĩa hạng con cháu?
Trong tiếng Việt có các từ láy con con, cỏn con, cỏn còn con…Trong chơi bài mà sự ăn thua rất nhỏ được gọi là chơi cò con. Trong khi đó sông Hồng Hà lớn nhất Bắc Bộ còn được gọi là sông Cái. Trong nhà có cột cái và cột con. Người Việt ăn bằng đũa và dùng đôi đũa lớn để xới cơm gọi là đũa cả hay là đũa cái. Đường lớn gọi là đường cái quan, trong bàn tay ngón lớn nhất là ngón cái. Những trẻ em chơi đáo đều có hòn cái để cả cái vào lỗ. Cũng theo nghĩa này mà có nhà cái, bắt cái trong chơi bài, chơi hụi. Phải chăng vì vậy mà tính từ con chuyển nghĩa thành loại từ con đi kèm đối tượng nhỏ, những đối tượng có thuộc tính nhỏ còn tính từ cái chuyển nghĩa thành loại từ cái đi kèm đối tượng lớn, những đối tượng có thuộc tính lớn? Đó cũng là lý do vì sao ta nói con xe máy, con Honda nhưng lại không thể nói *con container, *con máy bay mà nói cái xe container, cái máy bay.
Trong gia đình xét theo tôn ty thì ông, bà, cha, mẹ là bậc trên. Bậc dưới là con. Từ đây mà “ông”, “cha”, “bà” có nghĩa biểu trưng những người có quyền thế, giàu có trong xã hội, còn “con” thành loại từ đi kèm những hạng người ở bậc thấp hèn trong xã hội. Nên người Việt có thành ngữ “con ông cháu cha (/bà)”, “ông nọ bà kia” mà không ít người cho là vô lý, “phi logic”. Và cũng có những cách nói xem thường những người xếp vào loại “con”: con sen, con đòi, con ở, con vú, con cô đầu, con điếm, con hát … “Nếu các em đã chọn con đường hoạt động âm nhạc, nhất định phải có kiến thức mọi mặt, cơ bản về âm nhạc, nếu không sẽ chỉ là “con hát” (Phan Thu Lan, SGTT, 16.12.2013. Tít bài: Ca sĩ không học chỉ là con hát). Trước đây khẩu ngữ người Việt ở nông thôn có cách gọi phân biệt trẻ nhỏ theo bộ phận sinh dục chỉ giới tính: thằng cu, cái đĩ. Bố mẹ cái đĩ được gọi là bố đĩ, mẹ đĩ. Những cách gọi này mang sắc thái trung tính, bình thường. Nhưng khi chuyển từ cái sang con thì con đĩ lại là cách nói khinh thường người phụ nữ hành nghề mãi dâm.
Trong các bộ phận cơ thể của con người đầu, mình, cổ, tay chân, mồm, miệng, mắt, mũi …thì chỉ “mắt” được coi như một sinh vật, thuộc phạm trù “con”, vì nó nhỏ và rất linh động: con mắt, con ngươi. Các đấng tu mi nam tử còn có một bộ phận khác cũng rất sinh động, đôi lúc “khí thế” dũng mãnh nên cũng được dùng kèm theo loại từ con với hàm ý sinh vật thấp hèn. Nhưng cái con này chỉ được bật ra khi người ta văng tục, chửi thề. Xin kể chuyện sau: Trong dịp đón tiếp một phái đoàn Trung Quốc cực kỳ trọng thị, long trọng đến nỗi người ta có làm những lá cờ đỏ, ở góc cờ quanh một ngôi sao lớn có 5 ngôi sao nhỏ chứ không phải là 4. Một cư dân mạng bực tức quá nên phát ra lời bình: “Cờ với chả quạt, như cái con củ… cờ”(!)
Tiếng Việt có kiểu lấy các danh xưng trong quan hệ họ hàng để xưng hô ngoài xã hội, tùy theo tuổi tác mà gọi là cụ, ông, bà, cô , bác, chú, dì, con, cháu…
Con, cháu là hạng thấp nhất. Trước đây, ở phương ngữ Bắc Bộ, nói với bậc cao tuổi, người nhỏ tuổi xưng cháu. Nhưng nay, chịu ảnh hưởng của phương ngữ Nam Bộ, người miến Bắc cũng xưng con khi nói vời người lớn tuổi. Đó là một hiện tượng chuyển nghĩa thú vị.
Trong tiếng Việt có những vần mang nghĩa. Mà “cái” đối lập với “đực” nên các từ gái, nái, mái thành những loại từ trỏ giống cái đặc thù. Con gái, lợn nái, trâu nái, gà mái …và “Suốt buổi ông ngồi xổm trước cũi để ngắm mèo, như người ta ngắm “mèo gái” vậy” (NCH, II, Quyền chủ). Nguyễn Công Hoan đã tạo ra một câu có sắc thái châm biếm khi cố tình gọi “mèo cái” thành “mèo gái”.
Trong khẩu ngữ, có thể dùng loại từ “cái” để giảm giá trị đối tượng. “Nào có ra gì cái chữ nho” (Tú Xương); “[Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi]/ Cái nợ ba sinh đã hết rồi.”(Hồ Xuân Hương); “Tất cả những cái con người bạc ác ấy”. Trong truyện ngắn Ông bình vôi, nhắc lại câu thơ của Lê Đạt, Phan Khôi không gọi là ông mà gọi là cái: “Có những người sống lâu trăm tuổi / Y như một cái bình vôi /Càng sống càng tồi / Càng sống càng bé lại.”