Sự chuyển nghĩa của những từ trỏ quan hệ và chuyển động trong không gian[1]

                                                                   GS. TS. Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

1.     Mở đầu

Từ lâu, nhóm từ định hướng chuyển động trong không gian (ra, vào, lên, xuống, về, lại…)  và các từ tương ứng chỉ quan hệ không gian (trên, dưới, trong, ngoài, trước, sau…) đã được giới ngôn ngữ học Việt Nam quan tâm. Trong đó có Nguyễn Lai, Nguyễn Đức Dân, Lý Toàn Thắng, Vũ Thế Thạch… Trong bài này, chúng tôi muốn tìm ra lô gích đặc thù của người Việt khi nhận thức về hai lớp từ này. Hàng loạt nghĩa khác nhau của mỗi từ trong những lớp từ này sẽ được khái quát lại và giải thích hệ thống qua khái niệm nghĩa nhận thức và con đường chuyển nghĩa của từ.

2.     Giả thuyết về hiện tượng chuyển nghĩa 

2.1.     Có nhiều từ cơ bản đa nghĩa. Ban đầu mỗi từ chỉ có một vài, thậm chí chỉ một nghĩa gốc. Trong quá trình tiến hoá ngôn ngữ, có sự phát triển về nghĩa của chúng một cách lô gích theo những tình huống mớinhận thức mới của con người về tự nhiên và xã hội. Ở đây sự chuyển nghĩa từ nghĩa gốc sang nghĩa phái sinh trên cơ sở nhận thức của chúng ta về mối quan hệ giữa các phạm trù, từ nhận thức phạm trù không gian thành nhận thức cho các phạm trù khác.

 

2.2.     Sự phát triển về nghĩa của một số từ cơ bản liên quan chặt chẽ tới nghĩa nhận thức về những từ này. Đó là nghĩa căn bản mà người Việt nhìn ra và khái quát lên từ nghĩa miêu tả của một từ sau khi lược bỏ những chi tiết, chỉ lại những nét nghĩa tối thiểu đặc trưng cho những phạm trù trong nhận thức về từ đó. 

   TĐTV (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa:

(1)   Đi là “tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác”.

(2)   Lại là “Di chuyển ngược chiều với sự di chuyển vừa nói đến trước đó.”

            Nghĩa nhận thức của đi lại như (3) và (4). Được thể hiện như hình 2.1.

     (3)    Đi = chuyển động + dời khỏi gốc + có mục đích

    

2.3.   Những từ trỏ quan hệ không gian dùng cho những quan hệ khác được trừu tượng hoá thành quan hệ không gian. Cụ thể là:

(2.3.A) Không gian hình học chuyển thành những không gian trừu tượng: những tập hợp. Tức là các tập hợp được nhận thức như là những không gian hình học.
(2.3.B) Quan hệ không gian chuyển thành quan hệ thời gian. Tức là, những quan hệ trong thời gian được nhận thức như là những quan hệ trong không gian hình học.

(2.3.C) Quan hệ không gian chuyển thành những thuộc tính. Tức là, chúng ta nhận thức những thuộc tính trong tự nhiên và xã hội dựa trên những quan hệ trong không gian hình học.

(2.3.D) Những hành động và sự kiện chuyển nghĩa thành những thuộc tính tương ứng.

(2.3.E)  Do hiện tượng chuyển nghĩa mà có sự chuyển hóa từ loại.

Quy ước ký hiệu: : sự chuyển nghĩa; : quan hệ suy ra 

Minh họa cho giả thuyết (2.3.C). Nghĩa nhận thức của từ ĐẾN là:

(5)   Đến = chuyển động + có đích

Do nhận thức “có đích” mà có sự  chuyển nghĩa của đến như sau:

(6)  Đến đích đến kết quả đến cực điểm ( mức độ cao nhất)

Như vậy hàng loạt cấu trúc “đến A” luôn luôn tạo ra hàm ý “điều nói đến ở mức độ cao nhất”. Như đến lạ, đến là, đến lắm, đến phải, đến thế, đến nước, có đến, không có đến…   “Mê trò chơi điện tử đến nỗi quên ăn quên ngủ”. Cấu trúc “Đến x cũng y” luôn luôn có hàm ý x ở mức độ cực cấp mà người ta thực hiện y. Như  Đến ông ấy cũng không quyết được việc này”; “Đến cậu mà cũng nói như thế à?” (RCC) “Cái phố ấy đến lắm nhà” (LBC). “Người mà đến thế thì thôi” (ND).

Do từ đến mà cụm động từ  “V đến x” luôn luôn tạo ra hàm ý V ở mức độ rất cao: Lo đến phát ốm. Tôi ngồi đây đến một tiếng đồng hồ. Học đến quên ăn quên ngủ. Ông ấy có đến 7 người con.

 3.    Con đường chuyển nghĩa của ĐI và LẠI

            Với hai nghĩa nhận thức (3) và (4), chúng tôi chứng minh được rằng có con đường chuyển nghĩa của  đi, lại cho phép giải thích nhất quán tất cả các nghĩa của đi, lại và những tổ hợp cua chung được ghi trong TĐTV kể cả những cách dùng mang tính thành ngữ (62 nghĩa của đi, 27 nghĩa của lại)

3.1.   Con đường chuyển nghĩa của từ ĐI

         Các mục 3.1.1.-3.1.12. giải thích những hiện tượng chuyển nghĩa cụ thể của đi. Chẳng hạn:

a) Vì sao có thể nói “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. (NB)” nhưng không thể nói “*Hôm qua em đi làng về.”

b)  Dời khỏi gốc xa dần gốc xa dần tầm nhìn mờ dần thoát khỏi tầm nhìn không thấy biến mất

Như: xóa đi một chữ, cắt đi vài đoạn lấy đi, trốn đi, giấu đi, che đi, lấy đi, khuất đi, biến mất đi, đi tong,

c) Dời khỏi gốc xa dần điểm gốc xa dần tầm nhìn mờ dần sự suy giảm sự vật, những đối tượng mang phẩm chất âm [ - ]       

Như: đen đi, xấu đi, gầy rộc đi, mờ đi, ngu đi, hèn đi, kém đi, chậm đi, lười đi, tái đi, xám đi, vơi đi, lặng người đi

d)  Dời khỏi gốc dời khỏi gốc rễ, cội nguồn (gia đình) ẩn dụ: chết

 Như: Bác đã đi rồi sao Bác ơi! (TH)

             Lưu ý: đối lập với đi còn là từ về, cũng trỏ sự trở lại gốc rễ về cũng là ẩn dụ của cái chết. Trong tâm thức người Việt, với triết lý nhà Phật cõi trần là cõi tạm. Khi chết con người trở lại thế giới cội nguồn vĩnh hằng. Vì vậy: về với tổ tiên, về nơi chín suối, về với cát bụi,  “Áo bào thay chiếu, anh về đất” (QD)… đều nói về cái chết.

e) Qua ví dụ Ai lại đi nói thế! Đời nào mẹ lại đi ghét con! TĐTV đã nêu một định nghĩa không chuẩn về trợ từ đi: “III. Từ biểu thị ý nhấn mạnh về tính chất bất thường hoặc lạ lùng, ngược đời của một sự việc, để tỏ ý không tán thành hoặc không tin.”

Chúng tôi chứng minh được rằng ở hai ví dụ này nghĩa nhấn mạnh này là do từ lại. Từ đi chỉ phản ánh phong cách khẩu ngữ.

f) Chúng tôi cũng chứng minh được tại sao “A đi!” (Làm đi!), “A lại!” (Dừng lại!) là những cấu trúc mệnh lệnh.

3.2. Sự phát triển nghĩa của từ LẠI theo nhận thức không gian và hoạt động

Chúng tôi chứng minh được rằng:

3.2.1.  Lại: trở lại một vị trí đã xuất phát sự lặp lại vị trí đó

3.2.2. Theo (2.3.C)  Lại lặp lại sự kiện, thuộc tính.

Ví dụ:  lại mưa, lại ăn, ăn lại, nói lại …      

 3.2.3.   Theo (2.3.D) Lại sự phù hợp.

Có sự phù hợp ngữ nghĩa giữa A và B trong những cấu trúc “A vả lại B” “A lại B nữa”, “Đã A lại B”.

3.2.4. Sự chuyển nghĩa của lại liên quan tới đi. Từ hình 2.1. chúng tôi chứng minh được:

3.2.4.1. Lại hướng tâm thu hẹp không gian (khoảng cách, thể tích) sự tập trung

Tất cả những  hành động A nào được nhìn nhận là hướng tâm, tập trung hoặc làm không gian hẹp đi, thu nhỏ thể tích đối tượng đều cho phép dùng cấu trúc “A lại” để biểu thị ý nghĩa này.

Như: ngôn tay co lại, hóp lại, teo lại, co cụm lại, dúm lại, mắt ríu lại, người choắt lại, đặc quánh lại, đường cô lại, góp lại, gom lại, vun lại…dồn cục lại, thót bụng lại, thu mình lại, trói lại,  đọng lại, nói tóm lại, vấn đề được gút lại như sau…

            Sự thu hẹp dẫn tới gắn kết không còn khoảng cách. Như: nhắm mắt lại, gấp sách lại, khít lại, “Có phải duyên nhau thì thắm lại” (Mời trầu, HXH)

3.2.5. Theo (2.3.C) lại trở về trạng thái ban đầu

Như: lại quả, lại người, bánh chưng bị lại gạo, lại sức, tỉnh lại, trẻ lại, lấy lại tinh thần, nhớ lại…

3.2.6.   Lạivận động  ngược những hành động, chuyển động mang ý nghĩa “đáp trả”, “phản ứng”: hòn đất ném đi  hòn chì quăng lại, cãi lại, mắng lại, phê phán lại, đánh lại, bắn lại,  bật lại…

Lại những hiện tượng ngược với thông thường, ngược đời: Nhưng tức quá, càng uống lại  càng tỉnh ra”(NC). Không nghe tiếng máy bay sao lại có pháo sáng! (NMC)

lại xuất hiện trong mô hình ngôn ngữ nghịch nhân quả và so sánh đối lập: 

                        X thì A (nhưng) (mà) Y lại B       (IIa)

                        X thì A còn Y  lại B                    (IIb)

Nghĩa của A và B trong hai cấu trúc trên luôn luôn đối lập nhau. Như: Ông bố thì cao ráo vậy mà cô con gái trông lại Thị Nở quá; Quả này trông thì đẹp nhưng ăn lại chua; Cô chị [thì] hiền thế, còn thằng em lại hay gây gổ với người khác.

3.2.7.  Những cấu trúc ngữ pháp chứa hàm ý

Chính vì “lại” trỏ những hiện tượng ngược, nên nó được dùng trong những câu bác bỏ. Khi người ta chất vấn một hiện tượng ngược với sự nhìn nhận của mình là người ta bác bỏ hiện tượng đó. Như: “Sao tôi lại không biết!” có hàm ý là tôi biết. “Sao lại không nói điều đó!” có hàm ý là lẽ ra cần nói điều đó.

            Chúng tôi cũng chứng minh được có những cấu trúc ngữ pháp chứa đựng những hàm ý xác định. Như: A gì mà lại B thế(/vậy) luôn luôn có hàm ý là theo quan điểm người nói “đối tượng này không xứng đáng là A”. Ví dụ: “Yêu gì mà ki bo thế”, “Con tao mà lại thế à?” (NNT);

Cơ sở lô gích cho sự hình thành hàm ý này là cơ chế “chất vấn nhằm để bác bỏ” quan hệ nghịch nhân quả “A mà lại B”.

4.   Lô gích-nhận thức của những từ chỉ quan hệ và hướng chuyển động trong không gian

4.1. Nghĩa gốc của những từ trỏ quan hệ về vị trí và chuyển động

Có ba kiểu quan hệ không gian cơ bản liên quan đến đặc điểm con người lấy mình làm trung tâm để nhận thức vũ trụ.

4.1.1. Thứ nhất là quan hệ không gian ba chiều bao chứa con người. Có hai cặp từ liên quan: trong, ngoài ra, vào. Quan hệ trong-ngoài được minh họa trong không gian hai chiều như hình 3.1.

Quan hệ vị trí giữa hai không gian này được thể hiện qua cấu trúc: “A ở ngoài B” và “B ở trong A”.

Quan hệ định hướng chuyển động V giữa hai không gian này được thể hiện qua cấu trúc: “Từ B V ra A” và “Từ A V vào B”. Với V là một động từ chuyển động: đi, bò, trườn, chui, chạy, bước, tiến, nhảy…  

4.1.2. Thứ hai là quan hệ không gian ba chiều cao thấp (hay là trên dưới) được phân ranh giới bằng một mặt ngang trừu tượng, mà vẽ trên một hệ tọa độ hai chiều sẽ là một đường thẳng song song với đường chân trời, được minh họa như hình 3.1.2. Liên quan đến quan hệ này là các từ trên, dưới, lên, xuống.

 

                            A (ở trên)

                   đi lên  

             ______________________

                                         đi xuống

                           B (ở dưới)

                        Hình 3.1.2.

Quan hệ vị trí so sánh giữa hai không gian này được thể hiện qua cấu trúc: “A ở trên B” (A cao hơn B) và “B ở dưới A” (B thấp hơn A). Ký hiệu: A B

Quan hệ định hướng chuyển động giữa hai không gian này được thể hiện qua cấu trúc: “Từ B V lên A”;  “Từ A V xuống B” với V là một động từ chuyển động: đi, chạy, bước, tiến, nhảy …  

4.1.3. Thứ ba là quan hệ không gian ba chiều định hướng trước sau. Trước mặt và sau lưng. Liên quan đến quan hệ này là các từ trước, sau, tới, lui.

 

4.2.  Người Việt sắp xếp các quan hệ không gian theo quy ước tâm thức

-  Quan hệ trong-ngoài (bao chứa). Quan hệ “B ở trong A” ký hiệu bằng  B A. Còn “A ở ngoài B” thì ký hiệu A B.

Trong tâm thức, người Việt quy ước:  buồng nhà sân vườn ngõ đường

Chúng ta nói “trong nhà, ngoài sân”, “trong sân, ngoài vườn”, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường.”(tn)

- Quan hệ trên-dưới (cao-thấp).  Nói tới tôn ti xã hội trong tâm thức liền có những quy ước về quan hệ cao-thấp. Theo vị thế xã hội, tuy cùng một mặt bằng nhưng không gian người có vị thế cao hơn vẫn cao hơn. Không gian của những trung tâm hành chính, khoa học, văn hóa lớn thì “cao hơn” những nơi khác: “thành phố Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh > thành phố khác > thị trấn làng”. Ví dụ:  “bàn giáo viên bàn sinh viên”. Do vậy, cùng mặt bằng nhưng giáo viên vẫn nói “mời em lên bảng, mời em lên đây quay mặt xuống các bạn rồi trình bày”. Ở Nam Bộ, chỉ cần nói “tôi lên thành phố” là người ta hiểu “Tôi lên thành phố Hồ Chí Minh”.

- Quan hệ trước-sau:  Con người nhìn về phía trước. Từ đó hình thành quan hệ trước mắt/mặt – sau lưng. Vật nào có hướng nhìn thì hướng đó trở thành phía trước. Hướng đèn của chiếc ô tô, xe máy, xe đạp tạo ra phía trước của chúng. Có những đối tượng không có mặt hay mắt thì định hướng theo cách khác. Trước làng là nơi có con đường dẫn vào làng.   

4.3. Đặc điểm tiếng Việt trong cách dùng những từ chỉ quan hệ không gian

4.3.1. Điểm nhìn trong phát ngôn – một đặc điểm của cách dùng giới từ không gian.

Trong ngôn ngữ học có khái niệm điểm nhìn (viewpoint) hay góc ống kính (camera angle). Có sự khác nhau về điểm nhìn giữa các ngôn ngữ.

Tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, có những đặc thù về điểm nhìn. Người Việt lấy chủ thể phát ngôn làm yếu tố trung tâm để xác định các mối quan hệ không gian và xã hội trong giao tiếp. Dùng khái niệm điểm nhìn sẽ giải thích được lô gích của những lối nói “phi lô gích”: Đèn treo trên trần, bằng khen treo trên tường, thuyền chạy dưới sông, chiếc bút nằm dưới đất…

 Tiếng Anh nhấn mạnh tới quan hệ giữa hai đối tượng còn tiếng Việt chú ý tới điểm nhìn nên câu “He is waiting in the living room” tùy điểm nhìn, có 5 cách dịch khác nhau:  

 (5a)  Anh ấy đang đợi dưới  phòng khách. 

 (5b) Anh ấy đang đợi trên  phòng khách. 

 (5c) Anh ấy đang đợi ngoài phòng khách. 

 (5d) Anh ấy đang đợi trong phòng khách.

 (5e) Anh ấy đang đợi phòng khách. 

4.3.2. Những yếu tố ảnh hưởng tới nhận thức các quan hệ không gian

4.3.2.1.  Chúng tôi đã chỉ ra rằng kích thước, khoảng cáchvật chắn là những yếu tố ảnh hưởng tới nhận thức về các quan hệ không gian.

4.3.2.2.  Những yếu tố lô gích ảnh hưởng tới nhận thức về cách dùng giới từ và những từ định hướng chuyển động

4.4. Trạng ngữ và bổ ngữ 

4.5. Những hiện tượng chuyển nghĩa

4.5.1. Theo (2.3.A), không gian hình học trở thành những không gian trừu tượng: những tập hợp (như Đảng, đoàn, quân đội, trường học, hợp tác xã, làng xóm…). Tất cả những từ ngữ và cấu trúc trỏ quan hệsự chuyển động giữa hai không gian hình học đều được dùng cho những tập hợp.

Ví dụ, hai từ vào, ra cũng được dùng để trỏ một hành động chuyển từ một tập hợp rộng vào một tập hợp hẹp hoặc ngược lại: thi vào đại học, được bầu vào ban chấp hành, lễ ra trường, lễ ra quân…

Quan hệ trên – dưới giữa hai không gian chuyển thành quan hệ tôn ti vị thế, đẳng cấp liên quan tới chức vụ, vị thế xã hội, tuổi tác, gia tộc, lương bổng... Cho nên hai từ lên, xuống cũng được dùng để trỏ một sự di chuyển về tôn ti, vị thế: lên chức, lên lương, giáng xuống làm dân thường, xuống chiếu dưới…

4.5.2. Theo (2.3.B), quan hệ không gian trở thành quan hệ thời gian. Những ẩn dụ thời gian.

Nhận thức về thời gian được xây dựng trên nhận thức không gian. Các từ trực chỉ (deixis) không gian này, kia, đó, nọ…cũng chuyển thành các từ trực chỉ thời gian. Chúng cũng dùng để chỉ thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Không gian có kích thước thì thời gian cũng là một đối tượng có kích thước, cũng là một vật chứa đựng, cũng có quan hệ bao chứa trong-ngoài, trước-sau, cao-thấp.

Những hành động trong không gian cũng chuyển dùng cho thời gian. Chẳng hạn, lối nói “ngoái cổ lại nhìn” dùng trong những vận động không gian cũng được dùng cho chuyển động thời gian: Hết năm, người Việt có thói quen ngoái nhìn lại, điểm lại những sự việc được mất, may rủi trong năm qua. Vậy là hình thành cách nói năm ngoái.

Có hai ẩn dụ về thời gian. Lối nói xuân sang là theo ẩn dụ thời gian là một đối tượng chuyển động về phía chúng ta ([Lakoff & Jhonson, 1980]) và sang xuân là theo ẩn dụ chúng ta chuyển dịch trong thời gian theo hướng từ hiện tại tới tương lai. Nhờ vậy giải thích được hai cách nói đồng nghĩa: tuần trước tuần qua, tuần tới tuần sau.

Thời gian chuyển động nên những phân đoạn thời gian cũng có hướng: có “đầu”, có “cuối”: Đầu giờ chiều, đầu tuần, đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm.

4.5.3.  Theo (2.3.C), quan hệ không gian trở thành những thuộc tính. Từ trỏ hướng của chuyển động chuyển thành từ biểu trưng thuộc tính. Có những hiện tượng chuyển nghĩa sau:

 4.5.3a. Những đối tượng được dùng ẩn dụ cũng có những thuộc tính như đối tượng gốc vốn có.

 4.5.3b.  (Hẹp – rộng)  (kín – hở) (không thấy được – thấy được)   (bí mật – công khai).  

Vậy: vào hẹp  kín không thấy được bên trong nội dung;

         ra rộng  hở thấy được   công khai bên ngoài hình thức; 

Nói: Đảng rút vào hoạt động bí mật; Tên gian đã lẩn vào đám đông, vấn đề đi vào ngõ cụt, tiến ra sân khấu, nói vào thực chất vấn đề, 

4.5.3c.  (Trước – sau) (thấy /lộ rõ) – không thấy/lộ rõ) (bề mặt – bề sâu)

4.5.3d. (Không thấy được – thấy được) (chưa biết – biết /phát hiện) (giữ kín – bộc lộ). Tức là:

ra thấy được biết /phát hiện bộc lộ

vào không thấy được chưa biết giữ kín

Hiện tượng chuyển nghĩa này giải thích được vì sao có lối nói “ra Bắc vào Nam” Trong quá trình phát triển, dân tộc Việt Nam đi từ phía Bắc (nơi ta ở từ xa xưa là nơi ta đã biết. Do vậy nói ra Bắc) xuống phía Nam. Tiến về phương Nam là tiến về nơi rừng núi rậm rạp, nơi ta chưa biết. Do vậy nói vào Nam.

Hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra đều có ý nghĩa “bộc lộ, phát hiện”: té ra, hoá ra, thì ra là, thế ra, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa…

4.5.3e. (Khép - mở) (hướng tâm- ly tâm)  (thu hẹp - phát triển) (âm  dương)

Tức là:

ra mở ly tâm phát triển dương;

vào khép hướng tâm thu hẹp (âm 

Nghĩa ly tâm, mở rộng của ra được thấy trong:  bàn ra, giang tay ra, cởi áo ra, mở gói ra…Nghĩa sự vật phát triển, có thuộc tính dương: trắng ra , béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, ăn nên làm ra…). Từ ý nghĩa ly tâm, ra lại phát triển thành nghĩa phân tán, chia nhỏ ra. Chia gia tài ra thành 3 phần;  “…Vụ án người bị chặt ra từng khúc thì không thu hút được công chúng lắm.” (NAQ)

Nghĩa thu hẹp, tập trung, hướng tâm của từ vào được thấy trong: ngồi lui vào, co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào

4.5.3f. Lên cao phát triển có thuộc tính dương (tốt đẹp, thuận lợi, may mắn).

          Xuống thấp suy giảm có thuộc tính âm (kém cỏi, bất lợi, không may mắn)

Vì vậy nói: giỏi lên, đẹp lên, giầu lên, khá lên, béo lên, mập lên, đỏ lên, xe lên đời, lên hạng, lên cân, lên nước, cuộc đời đã lên hương

Và nói: xuống nước, xuống giá, xuống thang, xuống sức, xuống tay, xuống hạng, xuống cân, không khí cuộc họp lắng xuống

4.5.3g.   Quan hệ vị trí cao/thấp dẫn tới quan hệ tôn ti trên/dưới, được phân ranh giới bằng một mặt ngang trừu tượng (hình 3.1.2.). Mặt ngang này trở thành một tập hợp trừu tượng X làm điểm tựa, làm nền tảng, làm chỗ đứng trừu tượng. Từ đây hình thành cách nói đứng trên lập trường cách mạng, trên tinh thần đồng chí, dựa trên thực tế mà đề ra chỉ tiêu.  Vợ hắn và hắn bù khú…với nhau trên câu chuyện chó con (NT).

            (Trên-dưới) (chi phối-bị chi phối) (tác động - bị tác động).

Vậy: dưới bị chi phối  bị tác động.

  Do vậy có cách nói: Trưởng thành dưới chế độ XHCN, sống dưới ách thống trị của bọn xâm lược, dưới mắt người dân…

            Nơi giáp ranh giữa hai không gian cao ở trên và thấp ở dướitrung bình. Cái mức trung bình này nhiều khi mơ hồ, chỉ là sự ước lượng tương đối nên người Việt dùng luôn cặp từ trên, dưới để tạo ra một từ ghép đẳng lập thể hiện sự ước lượng, áng chừng này. Sự ước lượng, áng chừng phải là con số tròn gần đúng nên chúng ta nói tuổi trên dưới 50, trên dưới 100 người, bài viết trên dưới 5000 ngàn chữ … mà không nói * tuổi trên dưới 51, * trên dưới 127 người, *bài viết trên dưới 5010 ngàn chữ …

 

Tóm tắt

            Với khái niệm nghĩa nhận thức, với giả thuyết về sự chuyển nghĩa của từ dùng trong không gian hình học thành từ dùng trong những không gian trừu tượng của những quan hệ khác (§2), với khái niệm điểm nhìn, chúng ta đã giải thích được quá trình chuyển nghĩa từ một nghĩa gốc sang nghĩa phái sinh của những từ cơ bản trỏ quan hệ không gian và sự chuyển động trong không gian đi, lại, vào, ra, lên, xuống, trên, dưới, trong, ngoài… mỗi từ này có rất nhiều nghĩa được ghi vào những từ loại khác nhau. Qua đó thấy được nhiều hiện tượng ngữ nghĩa tiếng Việt thú vị và lăng kính không gian trong nhận thức nghiệm thân – lấy mình làm trung tâm – của người Việt.  

 

Dẫn liệu ngôn ngữ

HXH – Thơ Hồ Xuân Hương; LBC – Lý Biên Cương; NAQ – Nguyễn Ái Quốc, Vi hành; NB – Nguyễn Bính; NC – Nam Cao, Tác phẩm; ND – Nguyễn Du; NMC – Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng; NNT – Nguyễn Ngọc Tư, Ơi cải về trời; NT – Nguyễn Tuân; NTT – Ngô Tất Tố, Tác phẩm; QD – Quang Dũng; RCC – phim Rừng chắn cát, t.19; TĐTV – Từ  điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, 1992; TH – thơ Tố Hữu

 

Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Đức Dân

[1a] Phủ định và bác bỏ, Ngôn ngữ, số 1 – 1983

[1b] Ngữ nghĩa các từ hư: nghĩa của cặp từ, Ngôn ngữ, 4.1984

[1c]   Lô gích – ngữ nghĩa – cú pháp, nxb ĐH&THCN, 1987

[1d]   Lô gích của từ nối, [trong] Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, 36 – 39, Viện   Ngôn ngữ học, nxb KHXH, Hà Nội, 1988

[1e] Lô gích của từ nối, [trong] Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt, Lưu Vân Lăng (chủ biên) , 233 – 256, nxb KHXH, Hà Nội, 1994

[1g] Lô gích và tiếng Việt, nxb Giáo dục, 1996

[1h]  Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và ẩn dụ, Ngôn ngữ, số 9. 2005

[1i] (viết chung với Đỗ Thị Thời), Câu chất vấn, Ngôn ngữ, số 9 & 10, 2007

[1k] Ngữ pháp lô gích trong tiếng Việt, trong: Ngữ pháp tiếng Việt – những vấn đề lý luận, nxb KHXH, (147 – 212), Hà Nội, 2008

[l1] Tri nhận thời gian trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 12.2009, t. 1 – 14 (cũng xem (chuyên đề cao học ĐHSP), t.227 – 249)

[1m] Con đường chuyển nghĩa của từ cơ bản: Trường hợp của LẠI, Ngôn ngữ, số 11 (t.9 – 14), năm 2010

[1n] Con đường chuyển nghĩa của từ ĐI, 42 – 46, 84, Từ điển học và Bách khoa thư, số 60, 11.2013

[1o]  Chuyên đề cao học ngôn ngữ “Lô gích & tiếng Việt”, ĐHSP TP HCM, 2015

2.      Nguyễn Đức Dương, “Đi” trong sai một li đi một dặm diễn đạt nghĩa gì? Từ điển học và Bách khoa thư, số 40 , 7.2013

3.      Bùi Mạnh Hùng, Về kết cấu “đi + danh từ/danh ngữ chỉ địa điểm”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 40 , 7.2013

4.   Nguyễn Lai:

[4a] Một vài đặc điểm của nhóm từ chỉ hướng được dùng ở dạng động từ trong tiếng Việt hiện đại, Ngôn ngữ, số 3, 1977

[4b] Thử xác định ranh giới và sự chuyển hóa giữa nét nghĩa động tác và nét nghĩa “hướng” của từ “đi” trong tiếng Việt hiện đại, Ngôn ngữ, số 2, 1989

 [4c] Ghi nhận thêm về bản chất nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt hiện đại, Ngôn ngữ, số 1-2, 1989

[4d] Về mối quan hệ giữa phạm trù ngữ nghĩa và ngữ pháp trong tiếng Việt (qua cứ liệu cụ thể của nhóm từ chỉ hướng vận động), [trong] Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt, Lưu Vân Lăng (chủ biên), 211 – 232, nxb KHXH, Hà Nội, 1994

5. TĐTV: Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), nxb KHXH 1992 

6.  Viện Ngôn ngữ học, Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, nxb KHXH, Hà Nội, 1988

7.   Vũ Thế Thạch

[7a] Nghĩa của những từ như “ra – vào; lên – xuống” trong các tổ hợp kiểu “đi vào; đẹp lên”, Ngôn ngữ, số 3, 1978

[7b] Các động từ có nghĩa chỉ dẫn trong tiếng Việt, Trong [tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, 162 – 167, Viện Ngôn ngữ học, nxb KHXH, Hà Nội, 1988]

8.  Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ và sự tri nhận không gian, Ngôn ngữ, số 4, 1994

9.  Lê Vân Thanh, Lý Toàn Thắng, Ba giới từ tiếng Anh: at, on, in (thử nhìn từ góc độ, cơ chế tri nhận không gian trong sự so sánh đối chiếu với tiếng Việt), Ngôn ngữ, số 9, 2002

10. G. Fauconnier, Mental Spaces: Aspects of Meaning Construction in Natural language, Cambridge University Press, 1994

11.   G. Lakoff & M. Jhonson, Metaphors We Live By, University of Chicago Press, 1980

 

 

Nguyễn Đức Dân

Sinh 1936 tại Hà Nội. Giáo sư (1996)

Cử nhân toán (1957, ĐHSP HN). Dạy toán (1957 – 1966). Dạy đội tuyển toán, lớp chuyên toán Hà Nội (1963 – 1966)

Tiến sĩ ngôn ngữ học (1970, ban Ngôn ngữ học hình thức, ĐHTH Warszawa, Ba Lan). Dạy ngôn ngữ tại ĐHTH Hà Nội (1971–1987), ĐHTH Tp. HCM, ĐHKHXH&NV Tp.HCM (từ 1987)

Đã công bố 20 sách nghiên cứu và giáo trình, trong đó có: Dictionnaire de fréquence du vietnamien (Paris VII, 1980); Ngôn ngữ học thống kê (1984); Lôgích – ngữ nghĩa – cú pháp (1987); Lôgích và tiếng Việt (1996); Ngữ dụng học, tập I, (1998); Ngữ pháp tạo sinh (2012); Từ câu sai tới câu hay (2013)

Hướng dẫn 19 NCS đã bảo vệ tiến sĩ.

 



[1] Bài này đã đăng trong “Những vấn đề ngữ văn” tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học và Ngôn ngữ (ĐHQG TP. HCM), nxb ĐHQG TP.HCM, quý II, 2015 (trang 545 – 557). Ban đầu bài này khoảng 19.500 từ, như vậy quá dài. Theo gợi ý của Khoa, tôi rút xuống còn khoảng 5.000 từ, bình quân như mọi người. Rút gọn dẫn tới đôi chỗ “khó hiểu”, “thiếu thuyết phục”, “võ đoán”…Tôi sẽ in đầy đủ toàn bài này trong chuyên đề cao học “Lô gích và tiếng Việt” để những ai quan tâm có thể tìm đọc. NĐD